Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

CHÂN PHƯỚC ẤN ĐỘ.

         --WHĐ (6.11.2017) – “Chân phước Rani Maria, cầu cho chúng con”, Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh, đã long trọng xướng lên lời cầu nguyện trên đây; và 15.000 tín hữu đã lặp lại lời cầu nguyện này khi tham dự Thánh lễ tuyên phong Chân phước cho nữ tu Rani Maria Vattalil, được cử hành hôm thứ Bảy 04.11.2017 vừa qua tại một trường trung học ở Indore, Ấn Độ.
Sơ Rani Maria Vattalil sinh ngày 29.01.1954 tại Pulluvazhy, bang Kerala, Ấn Độ. Nhập Dòng Clara Phanxicô năm 1971 và khấn trọng vào năm 1980. Sơ Rani Maria Vattalil phục vụ những người nghèo không có đất đai, thúc đẩy họ đòi các chủ đất trả một mức lương đủ sống. Sơ cũng khuyến khích họ từ bỏ những thói quen xấu, như uống rượu. Sơ còn dạy cho nông dân nhiều phương pháp nông nghiệp hiện đại hơn, và giúp cha mẹ gửi con vào các trường học. Sơ quy tụ các phụ nữ ở nông thôn thành các nhóm để giúp đỡ lẫn nhau – góp chung tài chính để trợ giúp nhau khi cấp bách – và giúp các gia đình lập các tài khoản tiết kiệm.....Tất cả những việc Sơ làm đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của những người cho vay tiền, nên họ đã thuê người để giết Sơ....****Và ngày 25 tháng Hai 1995, Sơ đã bị đâm 54 nhát dao, trước 50 hành khách cùng đi trên một chuyến xe buýt. Vụ án xảy ra ở gần làng Udainagar, thuộc bang Madhya Pradesh.....Trong số những người tham dự lễ tuyên phong Chân phước, có cả thủ phạm đã sát hại vị Chân phước cách nay 22 năm là Samandar Singh. Ngồi bên cạnh Samandar là em gái của Chân phước, cũng là nữ tu, sơ Selmy Paul............Anh Samandar nói: “Tôi không thể đảo ngược chuyện đã rồi, đó là tiếng gọi của Chúa, và giờ đây cũng là tiếng gọi của Chúa. Sơ đã là một vị thánh, và giờ đây sơ cũng sẽ được tôn phong là một vị thánh”. Samandar bị kết án tù chung thân nhưng được trả tự do vào năm 2002 sau khi sơ Selmy đến thăm anh trong tù và xin ân xá cho anh..................Cảm động vì được tha thứ, anh Samandar đã bày tỏ lòng ăn năn vì hành vi giết người. Samandar đã từng nói với Asianews: “Tôi đau khổ và hối hận vì đã giết một nữ tu vô tội, người chỉ làm việc cách vô vụ lợi để thăng tiến người nghèo và làm cho đất đất nước của chúng tôi tiến bộ”.
Mặc dù chỉ là người giết mướn, Samandar Singh vẫn thừa nhận trách nhiệm hoàn toàn về hành động của mình: “Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ sát hại Sơ Rani Maria. Tôi không thể nói rằng tôi bị xúi giục, bởi vì chính tay tôi đã đâm Sơ ấy liên tục nhiều nhát và vì vậy, tôi sẽ còn hối hận về hành động của mình cho đến khi chết”.......Và anh đoan hứa: “Theo cách của mình, tôi cố gắng noi theo gương của Sơ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn tôi, như những Kitô hữu thuộc các bộ lạc và tất cả những người bị loại ra bên lề”.
Tuyên phong Chân phước là một bước để tiến đến việc tuyên thánh; nữ tu Rani Maria là nữ tu đầu tiên ở Bắc Ấn và là người Ấn Độ thứ bảy được tuyên phong chân phước sau nữ tu Alphonsa, linh mục Kuriakose Chavara, Mẹ Euphrasia, linh mục Joseph Vaz, linh mục Gonsalo Garcia và Mẹ Têrêsa Calcutta.
Thánh lễ tuyên phong Chân phước được tổ chức tại Trường Trung học Thánh Phaolô, do Đức hồng y Amato, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh, chủ sự, cùng với 5 hồng y và 45 giám mục của Ấn Độ.
Ngay trước khi hát kinh Vinh danh, Đức hồng y Amato đã tuyên đọc Tông sắc của Đức giáo hoàng Phanxicô, bằng tiếng Latinh, công bố rằng nữ tu Rani Maria được tuyên phong là Chân phước và lễ nhớ được cử hành hằng năm vào ngày 25 tháng Hai – là ngày sơ được phúc tử đạo vào năm 1995.
Ngay sau khi Tông sắc được công bố, các thành viên trong gia đình của vị Tân Chân phước, đại diện của Giáo hội ở Kerala và đại diện Dòng tu của vị Tân Chân phước – Dòng Clara Phanxicô, đã long trọng rước đến bàn thờ một thánh tích và một bức chân dung lớn của Chân phước Rani Maria. Đức cha Thottumarickal, giám mục giáo phận Indore, cho biết thánh tích chính là một trong những xương sườn của Chân phước, có vết đâm của con dao đã sát hại ngài.
Đức hồng y Angelo Amato nói: “Chân phước Rani không chỉ là nguồn cảm hứng cho giáo hội Udainagar mà còn cho mọi người tín hữu Công giáo trên khắp thế giới. Hiến lễ của ngài đã trở ngọn hải đăng cho các nhà thừa sai”.
Đức giám mục giáo phận Indore nói rằng: “Chúng tôi chắc chắn rằng Sơ Rani Maria đã làm việc, đã phục vụ và đã chết cho mọi người. Nhờ lời chuyển cầu mạnh mẽ của Sơ, những công việc phục vụ của chúng tôi để đem lại lợi ích cho mọi người sẽ thêm hiệu quả. Chân phước Rani Maria là gương mẫu cho chúng ta, vì ngài đã sẵn sàng chịu đổ máu mình vì lợi ích của người nghèo và người bị áp bức”.
Ngỏ lời với các tín hữu hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 05-11 ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hôm qua, ở Indore, Ấn Độ, Sơ Rani Maria Vattalil, nữ tu Dòng Clara Phanxicô, người chịu chết vì đức tin Kitô giáo vào năm 1995, đã được tuyên phong chân phước. Sơ Vattalil đã làm chứng cho Chúa Kitô bằng tình yêu thương và nét dịu dàng, và được kể vào hàng ngũ đông đảo các vị tử đạo của thời đại chúng ta. Xin cho hy lễ của vị Chân phước trở nên hạt giống đức tin và bình an, đặc biệt là tại Ấn Độ. Sơ là một người thật tốt lành. Người ta gọi Sơ là “vị nữ tu tươi cười”.                                                                      (Minh Đức(Nguồn: WHĐ)


Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Thứ năm ngày (14,12.2017)

     

Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11,11)
Câu chuyện minh họa:
Có 1 bé trai rất tham ăn. Em đặc biệt thích ăn khoai tây do tự tay em nấu trên chảo. Một ngày, mẹ em đi vắng. Lợi dụng ngay cơ hội, em chạy vào bếp làm món ăn em ưa thích. Khi món khoai rán đã chín vàng, em chuẩn bị món ăn khoái khẩu, thì lại phải rời khỏi bếp để tìm 1 cái gì đó, chẳng may lúc đó, ba em bất chợt đi ngang qua bếp, thấy củ khoai vàng và lấy ném nó vào bếp lửa đã cháy thành than đen thui đen thủi, em hỏi ba em cách buồn bực:
- Thưa ba, tại sao củ khoai của con lại rơi vào trong bếp lửa thế?
- Con ạ - ba em trả lời - khi người ta không làm chủ các bản năng của mình và khi người ta không biết vâng lời, thì tất cả những gì người ta làm đều giống như củ khoai này: chỉ còn lại tro bụi và hư vô!
Em bé này không bao giờ quên bài học đó. Sau này, em trở thành linh mục và còn hơn thế, trở thành 1 vị sáng lập dòng!
Suy niệm:
Gioan đến kêu gọi chúng ta: đường quanh co uốn cho ngay, hố sâu lấp cho đầy, đồi cao hãy bạt xuống, để dọn đường cho Chúa ngự đến. Cuộc sống mỗi người chúng ta đều có hố sâu ngăn cách chúng ta với kẻ khác, có núi cao che khuất lòng chúng ta trước đau khổ của kẻ khác, có những cuộc sống quanh co đối với Chúa hay với những người chung quanh. Trước lời mời gọi của thánh Gioan hôm nay, chúng ta hãy nhìn vào chính mình, vào gia đình mình để nhận cho ra đâu là núi đồi, đâu là vực sâu, và đâu là những nẻo đường quanh co trong cuộc sống.
Lạy Chúa xin cho con biết vươn mình lên cao, vượt lên mọi ý nghĩ tầm thường để con dễ dàng tha thứ, yêu thương và quảng đại trao ban cho anh chị em con.
(Mt 11,11-15)
Trong các cuộc diễn nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và người dẫn chương trình phải là người biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là làm sao cho người tham dự rút ra được bài học từ những cuộc diễn xuất đó mới là điều đáng nói!
Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế, và, ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan đã thực hiện thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng cái chết để làm chứng cho sự thật. Như vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời loan báo có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu cho diễn viên chính là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc như Gioan Tẩy Giả khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứ 

thứ tư ngày (13.12.2017)

     Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 11: 28-30)
 Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng".

Suy niệm

Có thể nói, đoạn Tin Mừng này là đoạn Tin Mừng ngắn nhất trong Năm Phụng vụ, chỉ vỏn vẹn có ba câu Lời Chúa. Thế nhưng, đây là những lời an ủi rất lớn cho những người đương thời Chúa Giêsu và cho chúng ta ngày hôm nay.

Chúa Giêsu mời gọi hãy mang lấy ách và gánh của Chúa, bởi vì ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa nhẹ nhàng. Lời Chúa nghe qua có vẻ không xuôi tai cho lắm, khi nói đến ách và gành thì làm sao có chuyện êm ái và nhẹ nhàng cho được? Vậy khi Chúa Giêsu nói như thế Người muốn dạy chúng ta biết điều gì?

Trong ngôn ngữ Do Thái, thì “gánh” và “ách” vừa có nghĩa là luật lệ, vừa có nghĩa là giáo huấn. Và khi “mang lấy ách” hoặc “mang lấy gánh” của ai nghĩa là làm đệ tử người đó, chịu sự hướng dẫn của người đó, sống theo nguyên tắc của người đó.

Vào thời Chúa Giêsu, đời sống của người dân Do Thái rất nặng nề, vì họ bị đặt dưới ách thống trị bởi những tập tục của tiên nhân và một hệ thống luật pháp đã bị biến chất. Tất cả lề luật đã bị các Rabbi, những người biệt phái giải thích cách khắc khe. Cho nên khiến người dân cảm thấy mệt mỏi khi phải học và sống theo những lề luật đó.

Do đó, người dân đã xem đó như là ách và gánh nặng. Nhưng Chúa Giêsu đã dùng những từ ngữ đó trong lời kêu gọi của mình với một nghĩa gần gũi với chúng ta hơn.

Chúa Giêsu nói “ách của Chúa thì êm ái”, chữ êm ái trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là vừa vặn. Qua đó Chúa Giêsu muốn ngụ ý rằng: “Sự sống mà Chúa ban cho con người để sống không phải là một gánh nặng, mà đời sống con người, công tác của con người đều đã được làm sẵn kích thước vừa với con người”. Bất cứ điều gì Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta đều phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi người. Chúa có công tác cho từng người và tất cả không quá sức của mỗi người.

Đồng thời, Chúa cũng nói rằng: “gánh tôi nhẹ nhàng”, sở dĩ như thế là bởi vì gánh đó được đặt trên tình yêu, được mang trong tình yêu, và tình yêu khiến gánh có nặng cũng trở nên nhẹ nhàng. Khi nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa, khi biết rằng gánh của chúng ta là yêu Chúa và yêu người, thì gánh đó không nặng mà trở nên nhẹ nhàng. 

Câu chuyện kể rằng: Một người đàn ông gặp một cậu bé đang cõng một đứa em bị què, ông ta hỏi: “Em phải cõng một gánh nặng quá nhỉ?” Cậu bé trả lời: “Nó đâu phải là gánh nặng, nó là em của cháu mà!” 

Qua câu chuyện ngắn, chúng ta có thể nhận ra bài học: một gánh được ban cho trong tình yêu và được mang trong tình yêu thì luôn nhẹ nhàng.

Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng vào lời hứa của Chúa, hãy tin tưởng và đến với Chúa trong Mùa Vọng này. Đến với Chúa, Chúa sẽ biến gánh nặng thành nhẹ nhàng, biến tiếng khóc thành nụ cười, biến nước mắt thành lời kinh tạ ơn chúc tụng. Amen. 
HÃY MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU
(Mt 11, 28-30)
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi ...”. Đây chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài lên tiếng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài.
Tuy nhiên, “ách” và “gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách” và “gánh”của các Rapbi Dothái. Nếu “ách” và “gánh” của các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ hình thức, thì “ách” và “gánh” của Đức Giêsu lại trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách” và “gánh” của Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế nên, hệ quả của “ách” và “gánh” đó chính là trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Như vậy, khi mang “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng thời học cho biết và sống sự hiền lành với tha nhân.
Nếu một khi chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Ngày hôm nay, con người đang bị cơn lốc của kinh tế thị trường, của ăn chơi hưởng thụ, của những chân lý nửa vời lôi cuốn..., nên họ muốn cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ đã mời Chúa đi chỗ khác, thì ngay lập tức, cuộc đời của họ trở nên trống rỗng, cô đơn, bất an và đau khổ.... Họ mong muốn được tự do, nhưng thực ra, con người đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua chóng hết.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường, là những hy sinh, từ bỏ, và sẵn sàng vác Thập Giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Thứ ba ngày ( 12.12.2017)

NGÀY 12/12/2017

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 18: 12-14)
 
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Suy niệm
 
Có lẽ tâm trạng của từng người rất khác nhau khi suy niệm Kinh Thánh và cũng không khỏi thắc mắc là: tại sao Chúa hay nói ngược cũng như có những hành động rất khác với suy nghĩ của con người. Điều đó cũng đúng thôi, vì “đường lối của Thiên Chúa không như đường lối của con người”!

Loài người chúng ta thường chọn đường rộng thênh thang để dẫn bước cuộc đời, còn Chúa lại khuyên nên đi con đường hẹp vì đó là con đường đưa tới sự sống; cổng lớn thì Chúa không đi, nhưng lại dẫn đưa con người qua cửa hẹp để đón hạnh phúc! Chúa quả là khó hiểu?

Chín mươi chín con chiên nằm đó với Chúa là an tâm, nhưng còn một con nữa đâu rồi. Tình thương của Chúa không phải là thiên vị cho con chiên lạc, nhưng là cần thiết hơn đối với nó. Chúa cũng không bỏ mặc kệ cho chín mươi chín con nằm đó, nhưng chín mươi chín con nằm đó đã có hạnh phúc thật của mình và an toàn tuyệt đối. Hơn thế nữa, Chúa biết rõ từng con chiên của mình và không muốn một con nào phải hư mất cho dù đó là con chiên tệ bạc, yếu đuối nhất. Như mục tử và chiên hiểu nhau và gắn bó với nhau vậy.

Còn thực tế thì lại cho chúng ta hiểu nhiều điều: chúng ta không phải là không có niềm vui đối với những gì sở hữu được bảo đảm an toàn, nhưng chúng ta hết sức vui mừng vì những gì tưởng chừng như đã hư mất mà nay lại tìm thấy. Như thế, người chăn chiên vui sướng vì có lại chủ quyền trên con vật đã mất là một chuyện phải lẽ. Đối với Thiên Chúa thì cũng thế thôi, Ngài không muốn một ai trong chúng ta phải hư mất. Như một người cha, Thiên Chúa không thể an tâm khi biết rằng một trong những đứa con của ông đã bị thất lạc, bị sa vào cạm bẫy của ma quỷ.

Khi mc khải niềm vui của Nước Trời đón nhận một con chiên trở về, Thiên Chúa muốn nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng: không phải Thiên Chúa thích số nhỏ, nhưng với số nhỏ Ngài có sự quan tâm đặc biệt. Một sự quan tâm vô điều kiện.

Và nói cho cùng, Tin Mừng hôm nay đặc biệt dành cho mỗi người chúng ta. Có ai dám cho mình là người đạo đức, lành thánh, không đi lạc. Như thế có nghĩa là chúng ta luôn luôn được Chúa đi tìm và kêu gọi trở về. Mỗi người chúng ta quả thực là số nhỏ của Thiên Chúa, là con chiên lạc cần được tìm về. Chúng ta có thể đang lầm lạc vì một lối sống sa đọa, từ một tội cố tình phạm, từ một từ chối Chúa qua những sự kiện nhỏ bé hằng ngày. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn vui mừng và hy vọng vì biết rằng Chúa vẫn lưu tâm, đi tìm và kêu gọi chúng ta trở về với tình yêu của Ngài. Số nhỏ Chúa không bỏ, nhưng qua số nhỏ chúng ta cảm nhận được tình yêu vô biên của Chúa.

Lạy Chúa, ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng giúp chúng con thực tâm trở về với Chúa, dù chúng con đang mang thân phận con chiên lạc. Như Chúa đã đón nhận sự trở về và tha thứ những lỗi phạm của chúng con, xin cũng giúp chúng con biết mở rộng lòng để tha thứ những lầm lỗi cho anh chị em. Amen


 Phải tha thứ luôn luôn
Sống ở trên đời, ai cũng mong ước mình gặp được nhiều sung túc, hạnh phúc và nhất là gặp được nhiều may mắn thành công. Ai cũng muốn là mình gặp được mối tình thông cảm cho đến đỉnh cao của tiền tài, danh vọng. Ai cũng sợ thất bại, sợ gian khổ cùng cực cất đầu không lên được với những người xung quanh. Dù rằng ai cũng tự an ủi mình bằng câu: "Thất bại là mẹ thành công". Ðau khổ nhiều, con người mới thấy giá trị đích thực của hạnh phúc. Có gian nan vất vả nhiều, con người mới cảm thấy giá trị của đau khổ, mới đánh giá chính xác về sự thành công từ những nhẫn nhục, chịu đựng, âm thầm làm việc sau bao nhiêu ngày tháng. Nếu như con người từ nhỏ đến lớn sống hoàn hảo như một vị thánh, người ấy chưa chắc đã cảm thấy mình hạnh phúc nếu không phải là người đặc biệt Thiên Chúa gìn giữ. Vì thế theo thông thường chúng ta không ai thoát khỏi những lầm lỗi, không khía cạnh này thì vướng mắc khía cạnh khác, không nặng thì nhẹ, không phải khuyết điểm lầm lỗi nặng hay nhẹ, cố tình hay vô tình nhưng quan trọng là chúng ta có nhận ra được khuyết điểm sai lỗi của chính mình hay không? Và khi nhận ra được khuyết điểm sai lỗi ấy, chúng ta có sửa đổi, rút kinh nghiệm cho lần sau hay không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Nếu ai trong các ngươi có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con thì người đó không bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc ấy sao?" Ðó là điều an ủi cho chúng ta, vì khi lầm lỗi, con người thường ít khi tha thứ hoặc có tha thứ cho nhau thì vẫn có thành kiến không tốt về người đó, nghĩa là chúng ta có ý nghĩ không tốt, bớt sự niềm nở tự nhiên trước đó.
Từ thái độ đó thường làm cho người có lỗi mang một tâm trạng tự ti mặc cảm, vì dù sao đi nữa thì trong tâm trạng đó con người cũng không có cái nhìn hồn nhiên, vui vẻ lạc quan yêu đời như trước khi họ chưa lầm lỗi. Khi đã sống trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau, nhìn nhau không thân thiện, chúng ta sẽ mắc vào một câu nói của một triết gia nọ: "Tha nhân là hỏa ngục của tôi". Ai cũng nhìn nhau bằng cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hình như cứ soi mói vào chúng ta, xét xem để rồi bắt lỗi chúng ta thì chẳng hỏa ngục là gì? Có bị như thế chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu bao la dung thứ của Thiên Chúa đối với chúng ta hôm nay: "Người chăn chiên sẽ bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc, khi tìm được rồi người chăn chiên sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không bị lạc".
Thiên Chúa đã dạy chúng ta không những phải tha thứ cho nhau bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Và trong một đoạn Tin Mừng khác Chúa Giêsu nói: "Nếu trong một ngày người anh em con phạm đến con bảy lần và bảy lần người ấy đến nói với con rằng tôi hối hận thì con cũng phải tha cho nó". Khi thấy điều đó khó thực hiện được nên người môn đệ của Chúa đã thưa: "Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con". Ðó là Lời Chúa nhắn nhủ dạy bảo chúng ta, còn đối với Thiên Chúa Ngài càng phải khoan dung tha thứ hơn, yêu thương chúng ta nhiều hơn nữa bằng một tình thương tha thứ vô cùng.
Trong dụ ngôn "Người Con Hoang Ðàng Trở Về" sau những tháng ngày ăn chơi trác táng thì bấy giờ nó suy nghĩ và thành tâm ăn năn thống hối trở về để xin cha tha thứ. Nhưng khi nhìn thấy con từ đàng xa, chưa kịp nghe con nói lên lời xin lỗi thì người cha đã bảo gia nhân đem áo mặc cho cậu, lấy nhẫn đeo vào tay cậu. Qua những cử chỉ yêu thương mặn nồng như thế đã nói lên tình thương của cha vẫn luôn luôn yêu thương con cái và người cha vẫn coi cậu như người con trong nhà. Vì thế, ông nói với gia nhân hãy làm thịt con bê béo để mừng con đã chết nay được sống lại. Tình thương của người cha bao la đã bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng trở về.
Trong đoạn Tin Mừng nói về một người mắc nợ ông vua như sau: Có một người mắc nợ ông vua kia đến mười ngàn nén bạc nhưng anh không có gì để trả nợ. Chủ ra lệnh bán anh và vợ con cùng tất cả gia sản anh để trả nợ. Anh liền sấp mình xuống dưới chân chủ mà van lơn: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn rồi tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho anh ta. Khi ra về anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta một trăm nén bạc, anh ta tóm lấy bóp cổ người ấy mà nói:Hãy trả nợ cho ta, khi ấy người bạn sấp mình dưới chân và nói: Cho tôi khất một kỳ hạn. Nhưng anh ta không nghe, bắt người bạn đó tống giam vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Người xung quanh thấy cảnh tượng thương tâm đó thuật lại với người chủ và người chủ đã bắt trao anh cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ một ngàn nén bạc của anh.
Chúng ta đôi khi cũng thế, lòng Chúa khoan dung yêu thương, tha thứ cho chúng ta không biết bao nhiêu, vậy mà đối với anh em ta lại xét nét, chê bai, xử tệ, không tha thứ cho nhau dù chỉ là những lầm lỗi không đáng kể gì trước mặt Chúa là người Cha đầy tình thương dung thứ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa để chúng con đáp lại tình thương nhỏ bé của chúng con đối với Ngài. Xin Chúa cho chúng con biết tha thứ cho nhau không những bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ cho nhau luôn luôn trong suốt cuộc sống. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)

Suy Niệm 2: Chiên lạc
Một nhà truyền giáo trong vùng Thái bình dương có kể lại sự kiện như sau: Ngày nọ có một người đàn bà bước vào lều của Ngài với đôi bàn tay nắm chặt cát ướt. Bà hỏi ngài:
- Cha có biết cái gì trong tay con không?
Vị linh mục đáp:
- Hình như chị đang cầm cát trong tay thì phải?
Người đàn bà lại hỏi tiếp:
- Cha có biết tại sao con mang cát ấy đến đây không?
Nhà truyền giáo lắc đầu.
Người đàn bà liền giải thích:
- Thưa cha, đây là tội lỗi của con, tội con nhiều như cát biển, làm sao con có thể được tha thứ?
Lúc bấy giờ vị linh mục mới an ủi:
- Có phải chị lấy cát từ bờ biển không, vậy chị hãy quay trở lại bờ biển và giống như các em bé vẫn thường làm, chị hãy xây một núi cát, rồi chị ngồi đó và ngắm những đợt sóng biển, sóng biển sẽ vỗ vào bờ và cuốn đi ngọn núi cát của chị. Ơn tha thứ của Chúa cũng giống như thế, lòng nhân từ của Ngài bao la như đại dương, chị hãy thành tâm thống hối và Chúa sẽ tha thứ cho chị.
Một lần nữa, Giáo Hội lại tha thiết kêu gọi chúng ta quay trở về với Chúa. Với hình ảnh người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh về tìm một con chiên lạc, trước hết Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta về lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta chỉ có thể tin tưởng quay về với Chúa, nếu chúng ta ý thức được tình yêu và lòng tha thứ của Ngài.
Tuy nhiên, con người chỉ có thể cảm nhận được lòng tha thứ của Thiên Chúa khi biết tha thứ cho anh em mình mà thôi. Đó là điều Chúa Giêsu muôn nêu bật trong Tin Mừng hôm nay. Thật thế, dụ ngôn người mục tử bỏ 99 con chiên khỏe mạnh để tìm một con chiên lạc được nhắm trước tiên đến những người biệt phái. Họ khó chịu khi thấy Chúa Giêsu kết thân với những người tội lỗi. Đề ra những khoản luật nghiêm nhặt về sự thanh tẩy, đặc biệt là thanh tẩy trước khi ăn, những biệt phái đã loại trừ nhiều tội nhân và những người thu thuế. Qua cử chỉ này, Ngài không những muốn nói với các tội nhân rằng Thiên Chúa yêu thương họ, Thiên Chúa đi tìm kiếm họ, Thiên Chúa tha thứ cho họ, nhưng Ngài còn mời gọi chính những người biệt phái, tức là những kẻ tự cho mình là lành thánh cũng phải hoán cải. Hoán cải trong quan niệm của họ về lòng nhân từ của Thiên Chúa, nhất là hoán cải trong cái nhìn của họ đối với người tội lỗi. Con người chỉ cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa khi họ biết cảm thông và tha thứ cho tha nhân. Điều đó cũng có nghĩa là lòng nhân từ của Thiên Chúa không hề làm cho con người ra vong thân, nhưng biến nó trở thành người hơn, có trách nhiệm và dấn thân hơn. Con người chỉ thực sự thống hối khi nó biết thực thi lòng nhân ái với tha nhân.
Mỗi lần bước ra khỏi tòa giải tội ai trong chúng ta cũng cảm thấy như trút được một gánh nặng và tìm được bình an và niềm vui. Quả thực, như đại dương, lòng nhân từ Chúa sẽ xóa sạch tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên để được tắm gội trong đại dương của lòng nhân từ ấy, chúng ta được mời gọi sống lòng nhân từ đối với tha nhân. “Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình cũng được lặp lại cho mỗi người chúng ta. Bước ra khỏi tòa giải tội là được sai đi để thể hiện lòng nhân từ với tha nhân. Và đó là món quà cao đẹp và ý nghĩa mà chúng ta có thể gửi cho nhau trong mùa vọng này.

Suy Niệm 3: Đón rước Đấng Cứu Thế là đón kẻ bé mọn
 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất. (Mt. 18, 12-14)
Nếu người ta đọc lại đầu chương 18 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, người ta thấy rằng dụ ngôn chiên lạc được tiếp sau câu hỏi của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước trời?” (18, 1). Đức Giêsu không trả lời ngay mà lần lượt trả lời theo ba nhịp độ sau:
1) Câu 2-5: Theo kiểu các ngôn sứ xưa, Đức Giêsu trả lời trước hết bằng một cử chỉ tượng trưng: “Người gọi một em bé đến, đặt giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại nên như trẻ em, thì chẳng sẽ được vào nước trời” (c. 3). Qua cử chỉ này, Đức Giêsu đảo lộn thứ bậc theo quan niệm của môn đệ. Tiếp theo, Người tự giới thiệu mình như trẻ nhỏ trước mặt Chúa Cha, môn đệ cũng phải trở nên nhỏ bé như em này, thì mới là người lớn nhất trong tình yêu của Chúa Cha.
2) Câu 6-9: Vì thánh ý của Chúa Cha là muốn cho mỗi người lớn lên trong tình yêu của Ngài, cho nên điều quan trọng là phải chăm lo săn sóc những bé nhỏ này, bằng cách tránh mọi gương mù và mọi khinh thường có thể làm chúng sa ngã.
3) Câu 10-14: Dụ ngôn chiên lạc nói đến kẻ bé mọn và gương mù (c. 6) hay cảm thấy bị khinh bỉ (c. 10) và hậu quả là dần dần xa cộng đồng vì cộng đồng không tiếp nhận nó vào cuộc sống cụ thể hằng ngày, và ngăn cản nó lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha. Chính ra mỗi phần tử trong cộng đồng đều được đón nhận thánh ý của Chúa Cha đã muốn cho tất cả đều lớn lên trong tình yêu của Ngài, để không còn thấy mình bị xa lạc nữa, nhưng luôn luôn được đón tiếp, được tôn trọng như một nhân vị độc nhất.
Chúng ta cũng theo gương các môn đệ, cần thiết phải thanh tẩy óc địa vị của mình. Chúng ta có luôn luôn ý thức mình phải hoạt động theo tiếng gọi của Chúa Cha để thi hành trách nhiệm, mà Ngài đã trao phó cho chúng ta với danh nghĩa là môn đệ của Chúa Con và là phần tử của nước trời không?
Trong đời sống thực tế cụ thể hằng ngày, chúng ta có biết tránh mọi gương mù, gương xấu cho những kẻ bé mọn không? Có giúp chúng khám phá và lớn lên trong tình yêu của Chúa Cha không?
Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với những kẻ bé mọn: “Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (c. 5).
J.M.R

Suy Niệm 4: TẤT CẢ VÌ TÌNH YÊU
Đức Giêsu thường làm những chuyện gây “sốc” cho những người xung quanh. Vì thế, người đương thời với Ngài và đôi khi cả chính chúng ta cũng có lối suy nghĩ rằng: Ngài chuyên làm những chuyện ngược đời, nghịch lý và khó hiểu...!
Quả thật, nếu xét theo kiểu con người thì Đức Giêsu có rất nhiều những khuyết điểm. Những khuyết điểm đó là:
Ngài kém trí nhớ. Khi cả một đời tội lỗi ngập đầu, đến giờ chết xin Ngài tha thứ tội lỗi thì lại cho họ lên Thiên Đàng trước nhất: "Tôi bảo thật với anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23, 42-43).
Ngài cũng là một người không giỏi luận lý. Có đời thủa nào lại bày cho chủ tiệc đi mời những người nghèo nhất đến dự tiệc cưới của con mình: “...hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc...” (Lc 14, 12-14).
Ngài còn là một người không biết tổ chức công việc. Người làm đầu tiên cũng như người làm giờ chót, tất cả đều được một đồng! (x. Mt 20, 1-16).
Trong mối liên hệ, bạn số một của Ngài lại là những người tội lỗi (x. Mt 9, 11. 12-13; Lc 15, 2; 19, 2. 5.7. 9...)
Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại một sự nghịch lý đó ngang qua việc Đức Giêsu bỏ 99 con chiên lại để đi tìm một con chiên lạc. Điều này chứng tỏ Ngài không biết tính toán, là người dốt toán hạng chót...!
Nếu chúng ta đứng về phía những người làm kinh tế, hẳn chúng ta sẽ kết luận Đức Giêsu là kẻ điên khùng vì những điều bất thường trên!
Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn dùng những nghịch lý đó để làm sáng tỏ chân lý. Chân lý đó chính là: Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Ngài cho mưa xuống trên kẻ dữ cũng như người lành. Ngài đến để cứu những gì đã mất. Ngài yêu thương đặc biệt những người tội lỗi....
Thật vậy, vì yêu thương, Đức Giêsu không để ý đến quá khứ tội lỗi của con người. Cũng vì yêu thương, Ngài đã chấp nhận chuộc những kẻ tội lỗi bằng tình yêu và cái chết.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như Chúa, hành xử như Chúa. Hãy tin tưởng cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa như Maria Mađalêna; Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld.... Thiên Chúa không kết án con người vì tội lỗi quá khứ của họ. Nhưng Thiên Chúa nhìn vào thực tại của chúng ta như chúng ta là... trong giây phút hiện tại này.
Mùa Vọng là Mùa mời gọi chúng ta quay về với lòng thương xót của Thiên Chúa bằng thái độ sám hối để được Đức Giêsu “vác lên vai, đưa về nhà”.
Mặt khác, Mùa Vọng cũng mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm ...”.
Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa đi tìm con chiên lạc, khi tìm được, Chúa đã vác lên vai và yêu thương chúng đặc biệt, điều này đã khích lệ chúng con rất nhiều, bởi vì mỗi người chúng con đều cần đến sự tha thứ của Chúa như con chiên lạc khi xưa. Amen.
Ngọc Biển

Suy niệm 5:

Chăn chiên là một nghề đã có từ lâu. 
Nhiều nhà lãnh đạo dân Do Thái như Môsê, Đavít, đều làm nghề này. 
Trên những đồng cỏ mênh mông, giữa trời và đất, chỉ có chiên và mục tử, 
nên giữa đôi bên có một sự thân thiết và hiểu biết nhau thật gần gũi. 
Chính vì thế trong Cựu Ước, Thiên Chúa hay ví mình với người chăn chiên. 
Đàn chiên là dân Do Thái, là dân riêng Ngài rất mực quý yêu: 
“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa… 
Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, 
bầy chiên mẹ cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). 
Như Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng ví mình với người mục tử tốt lành. 
“Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10, 14). 
Sự hiểu biết thân thương này mạnh đến độ 
Ngài dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 15). 
Sau khi chết và phục sinh, Đức Giêsu muốn ông Simon nhận sứ mạng mục tử. 
Ngài mời ông chăm sóc và chăn dắt chiên của Ngài (Ga 21, 15-17). 
Như thế đoàn chiên mới của Đức Giêsu lúc nào cũng được bảo vệ. 
Qua bao thế kỷ Giáo Hội vẫn không ngừng có những mục tử mới, 
nối gót Simon Phêrô để phục vụ và hiến mạng vì đoàn chiên. 
Nhưng Đức Giêsu không dạy người mục tử chỉ lo cho cả đoàn, 
mà quên chăm sóc cho từng con chiên một. 
Ngài mời ta để ý đến tập thể lớn, nhưng không được quên từng cá nhân nhỏ. 
Có khi chỉ một con chiên lạc lại khiến người mục tử bận tâm lo lắng 
đến nỗi để chín mươi chín con trên núi mà đi tìm con bị mất (c. 12). 
Không phải vì coi thường chín mươi chín con không bị lạc, 
nhưng vì người mục tử không muốn mất con nào. 
Con chiên lạc lại có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim mục tử. 
Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về chuyện tìm lại được điều đã mất. 
Khi mất thì đứng ngồi không yên, 
khi tìm thấy thì bình an và niềm vui òa vỡ. 
Người mục tử lo âu, vất vả tìm kiếm con chiên lạc, 
nhưng khi tìm được rồi thì niềm vui là vô bờ. 
Có thể nói còn vui hơn chuyện chín mươi chín con không bị lạc (c. 13). 
Dường như người ta bắt đầu quý một điều từ khi mất điều đó. 
Có khi một người bắt đầu hiện diện từ khi người ấy vắng mặt và mất đi. 
Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c. 14). 
Cha muốn cho mọi người được cứu độ và không muốn mất một ai (1 Tm 2, 4). 
Mùa Vọng là thời gian chúng ta nhìn lại những người bé mọn quanh ta, 
những người từ lâu đã bỏ nhà thờ, những người mất lòng tin vào Chúa. 
Mỗi người chúng ta phải là mục tử cho nhau, chăm sóc nhau, quý nhau, 
khởi đi từ những người trong gia đình, trong nhóm bạn thân quen. 
Chúng ta quý nhau vì Thiên Chúa quý từng người chúng ta. 
Chúng ta chẳng thể mừng Lễ Giáng sinh nếu còn một người đang lạc ở đâu đó. 
Nếu chịu mất công đi tìm về, chúng ta mới được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Thứ hai ngày (11.12.2017)

XIN ƠN THA THỨ

 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 5: 17-26)

Một hôm, khi Đức Giêsu giảng dạy, có mấy người Pharisêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galilê, Giuđê và từ Giêrusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi". Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? Nhưng Đức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Anh đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - Đức Giêsu bảo người bại liệt - tôi truyền cho anh hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!" Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!"

Suy niệm

Thời gian thi hành sứ vụ chưa lâu nhưng tiếng tăm của Chúa Giêsu đã nhanh chóng đến tai các nhóm thượng đẳng Do Thái. Quyền lực và chỗ đứng của họ trong xã hội Do Thái là không thể chối cãi. Tai mắt của họ khắp nơi. Các phe nhóm của Do Thái chẳng ưa gì nhau. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu xuất hiện, họ trở nên đoàn kết, vì cùng chung kẻ thù.

Hôm nay họ đến nghe Chúa Giêsu, vừa để xác nhận lại thông tin đã nghe nhận, vừa để chứng kiến xem cụ thể Chúa Giêsu thi hành sứ vụ rao giảng thế nào mà khiến dân chúng bỏ hết công việc chạy theo Người. Chúa Giêsu dạy người ta ăn ngay, ở lành, sống công chính, tôn trọng sự thật và yêu thương nhau. Chúa Giêsu làm gương cho dân. Người chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ và bênh vực quyền lợi kẻ yếu hèn. Những việc làm này những người Pharisêu, Biệt phái hay luật sĩ chẳng thể nào làm được. Tại sao, họ không làm được?

Kiến thức về đạo, họ có thừa, kinh nghiệm đức tin cũng chẳng thiếu, nhưng sao vẫn bị loại ra khỏi sự ưu tiên của Chúa Giêsu? Đáng lý họ phải được Chúa Giêsu ưu ái, vuốt ve và lấy lòng chứ, đằng này, Người lại bỏ mặc họ, chỉ quan tâm đến người nghèo. Thế nên, họ tức tối vì những điều tốt lành của Chúa Giêsu không dành cho họ, mà những gì xấu họ phải gánh chịu từ miệng Chúa Giêsu khiến họ dở khóc, dở cười vì mất dần sự tín nhiệm từ phía nhân dân. Họ lẩm bẩm: Ông này phạm thượng, ông là ai mà có quyền tha tội? Bây giờ, họ dùng kiến thức đạo để làm điều ác thay vì điều thiện, để giết chết thay vì cứu sống, để loại trừ thay vì cưu mang, để phá đổ thay vì xây dựng, nhất là thù oán thay vì yêu thương.........
Với bút pháp sắc sảo, nghệ thuật khéo léo, thánh Luca đã dẫn mỗi người chúng ta cùng đi vào  trải nghiệm của niềm tin cộng đồng, để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bởi đó, khi đọc đoạn Tin Mừng này, lòng của mỗi chúng ta cũng được khơi lên tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta cũng muốn bảo nhau rằng: “Hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”!

Và rồi ta thấy Tin Mừng hôm nay là một trình thuật tuyệt vời diễn tả về Ơn tha thứ và niềm tin cộng đồng. Đó là một trình thuật phép lạ có dụng ý giáo huấn, trong đó phép lạ được thực hiện như một dấu chỉ của ơn tha thứ. Và cao điểm của bản văn cho thấy Chúa Giêsu có quyền tha tội.

Được sinh ra giống hình ảnh Thiên Chúa; nhưng rồi con người đã sa ngã và nhận ra mình trong thân phận tội nhân! Ánh nhìn của Thiên Chúa đã đi theo Ca-in đến cùng trời cuối đất, cào cứa lòng anh… Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, thứ tha, và cứu độ con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã đến để chữa lành thương tích cả thể xác lẫn tâm hồn người ta.

Trong Bí Tích Hoà Giải, gánh nặng tội lỗi nơi tôi được giải phóng – không phải như một tấm áo bẩn được giặt sạch, nhưng như một tấm áo mới tinh được ban tặng cho tôi. Sự thứ tha của Thiên Chúa là một cuộc ‘sáng tạo lại’! Với con người, tha có nghĩa là bỏ qua song có thể vẫn còn ‘lưu hồ sơ’ để nhớ; còn đối với Thiên Chúa, tha nghĩa là quên luôn, cơ hồ chưa từng xảy ra vấn đề gì. Gánh nặng được cất đi hoàn toàn trong tâm hồn tôi, và tôi tìm lại được sự bình an trọn vẹn!

Thật vậy! câu chuyện lạ kỳ khi xưa, người bại liệt được chữa lành mà những người từ khắp các làng mạc miền Galilê, GiuĐê, và Giêrusalem đã chứng nghiệm, vẫn là câu chuyện lạ kỳ của mỗi chúng ta hôm nay, nếu chúng ta biết lắng đọng lòng mình để chiêm ngưỡng.

Hãy thử nhìn vào khung cảnh: Thầy Giêsu đang giảng dạy nơi một căn nhà tư gia quá nhỏ bé, so với  lượng người đông đảo từ khắp các miền lân cận đổ về, bao gồm rất nhiều hạng người, trong đó có mặt cả những con người xem ra rất thế giá đạo đức và thông thái như các vị luật sĩ, biệt phái.v.v. Họ chăm chú lắng nghe và được chứng nghiệm quyền năng diệu kỳ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Điều gì ở nơi thầy Giêsu đã cuốn hút những người từ khắp các làng mạc đổ về?  Điều gì đã khiến cho anh bại liệt tin rằng Thầy Giêsu có khả năng chữa lành căn bệnh nan giải của anh? Và hơn nữa, điều gì khiến cả những người khiêng anh  đã tin, đã cùng nhau tìm cách vượt qua  rào cản của đám người đông đúc để sáng kiến đưa người bại liệt từ trên mái nhà xuống gặp được Chúa Giêsu?

Đứng trước niềm tin cộng đồng, lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa đã thể hiện. “Này anh, anh đã được tha tội rồi”.

Điều đáng nói hơn ở đây là Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc chữa lành  cho người bại liệt, nhưng Ngài đã chọn phép lạ chữa lành như một dấu chỉ của ơn tha thứ: “Để các ông biết ở dưới đất này con người có quyền tha tội… Tôi truyền cho anh hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà”.

“Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa”. Phải chăng niềm tin của người bại liệt được chữa lành đã được chứng nghiệm thêm ?  Và cùng với trải nghiệm được chữa lành nơi thân xác, anh đã thật hạnh phúc để cảm nhận ơn tha thứ nơi tâm hồn.

Khi Thiên Chúa thấy lòng tin của con người. Những người khiêng bệnh nhân bại liệt tin vào Chúa Giêsu. Họ tin rằng Ngài là niềm hy vọng duy nhất giúp chữa lành người bại liệt. Họ thấy lòng thương xót và trắc ẩn nơi Chúa Giêsu. Và Ngài có quyền năng ban  cuộc sống tràn đầy cho con người.

Lòng quyết tâm và tài ứng biến của họ thật đáng ngưỡng mộ. Không nản lòng vì đám đông cản lối, họ leo lên mái nhà và thả người bại liệt xuống trước mặt Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn chúng ta hãy mang lấy những gánh nặng của kẻ khác và đem chúng đến cho Ngài.

Chiếc cáng của người bại liệt là biểu tượng cho sự bất lực và lòng tuyệt vọng của người bệnh. Chúa Giêsu bảo anh đứng lên, vác lấy cáng mà đi về nhà. Ngài đã làm cho anh ta không còn để ý tới sự bất lực và thất vọng.

Đây cũng là những gì mà Thiên Chúa đang tiếp tục làm cho chúng ta. Thánh giá của chúng ta có thể nặng nề, cuộc đời có thể là chén đắng hay là con đường gồ ghề. Nhưng chúng ta không thất vọng, lạc lối hay bị đánh bại. Chúng ta có Chúa Giêsu và có thể cậy dựa vào Ngài. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay giúp đỡ và chữa lành. Ngài là Đấng cứu chữa tuyệt vời nhất của chúng ta.

Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh cho người bại liệt qua Lời của Người (x. 5, 24). Ngài không chỉ tỏ quyền năng Thiên Chúa qua việc chữa lành bệnh thể xác mà Ngài còn cho tất cả mọi người thầy uy quyền của Thiên Chúa qua việc tha thứ tội lỗi (x. 5, 20). Chính qua việc tha thứ tội lỗi, Chúa Giêsu đã đưa ta trở về với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đó là niềm vui lớn nhất của mỗi Kitô hữu khi được hòa giải cùng Thiên Chúa, được Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm, thiếu xót và tội lỗi của chúng ta (x. 5, 25).

Như một sự tác động lan tỏa trong niềm tin cộng đồng, việc chứng nghiệm người bại liệt được chữa lành đã làm cho tất cả mọi người đều sửng sốt, và cảm nhận sự tác động của Thiên Chúa, họ “tôn vinh Thiên Chúa” và bảo nhau “hôm nay chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ”.

Đó là những chuyện lạ kỳ của ơn tha thứ, và chính họ đã gặp được Đấng có quyền tha tội. Thật là một điều kỳ diệu khiến cho giới luật sĩ và  biệt phái phải thắc mắc trong lòng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?"

Quả thế, ơn tha thứ chỉ có thể được Thiên Chúa ban cho mà thôi, và ơn đó cũng chỉ được đón nhận từ niềm tin. Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết tin vào Chúa, tìm cách đến với Chúa, để cảm nhận được tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Để chúng ta cũng được Chúa chữa lành những căn bệnh  tâm hồn, hầu chúng ta tôn vinh Chúa mỗi ngày, hăng hái đứng dậy, đổi mới, và bước đi trong ân sủng của Thiên Chúa như lòng Ngài mong muốn.

Huệ Minh