Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM.2017

                                         
ĐÔI KHI NHỮNG ĐIỀU BÌNH THƯỜNG TRỞ THÀNH LẠ LẪM\
Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm dạy: “Chị em không ngừng sống dưới cái nhìn của Chúa và luôn ý thức sự hiện diện của Ngài” (Điều 88). Sống dưới cái nhìn của Chúa chính là sự canh thức của tâm hồn, một trạng thái sẵn sàng luôn luôn trong tương quan mật thiết, thân tình với Thiên Chúa vì Ngài luôn hiện diện.


Tìm hiểu về Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội


Thánh Kinh không nói đến hồng ân này một cách rõ rệt, nhưng thánh Luca, trong trình thuật việc truyền tin đã cho thấy, tuy không rõ rệt lắm, nhưng đủ cho chúng ta thấy địa vị độc nhất vô nhị của Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà”. Không ai đã được  “đầy ân sủng như Mẹ”. Đầy ân sủng ở đây có thể hiểu là không tì vết, như E-và từ thuở ban đầu, trong trắng, trinh nguyên. Chỉ một mình Mẹ thôi, vì từ ngày A-đam phản bội, Thiên Chúa đã hứa “đặt mối thù giữa ma quỷ và “người Nữ, miêu duệ người nữ sẽ đạp đầu con rắn”. Người Nữ chính là Mẹ. Nếu Mẹ lệ thuộc vào ma quỷ, nếu Mẹ vướng mắc tội nguyên tổ, Mẹ làm sao đạp đầu con rắn? Chúng ta có thể hiểu người nữ đó là Mẹ Maria. Mẹ đã được hồng ân vô nhiễm, không phải do công nghiệp của cha mẹ, của Mẹ, mà bởi ơn Cứu chuộc của Chúa Giêsu. Hơn nữa, Chúa Cha không thể để Con mình làm người mà không có một bà mẹ xứng đáng. Đặc ân vô nhiễm là một đặc ân thiết yếu để thực hiện công trình cứu chuộc của Chúa Cha. Mẹ Thiên Chúa phải xứng đáng, Mẹ không thể khác được.
Giáo Hội không ngừng chiêm ngắm người nữ “đầy ơn phúc” (Lc 1,28) đã được tiên báo trong Cựu ước như một người nữ liên kết với Đấng Cứu Thế trong mối thù vạn đại với Satan (St 3,15) để dạy chúng ta rằng ngay từ giây phút đầu tiên lúc được thụ thai do ơn thánh và đặc ân siêu việt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp Chúa Kitô Đấng cứu chuộc nhân loại. Đức Maria đã được tinh tuyền không vương vấn tỳ vết nào của nguyên tội. Giáo lý nầy đã được đức Thánh Cha Piô IX định tín :
I.Tuyên tín
Ngày 8-12-1854, tại đại đền thánh Phêrô, trước mặt 54 Hồng y, 42 Tổng Giám mục, 92 Giám mục, 300 các viên chức sắc gồm cả ngoại giao đoàn, cùng với chừng 50,000 linh mục, tu sĩ, và giáo dân từ nhiều quốc gia, Đức Piô IX trịnh trọng tuyên bố thông điệp bất hủ “Ineffabilis Deus”, và với một giọng cương quyết oai nghiêm, ngài tuyên tín: “Do uy quyền của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và của riêng ta, ta xác nhận, tuyên ngôn và định tín rằng: Rất Thánh Trinh nữ Maria từ phút đầu thai đã được gìn giữ Vô nhiễm khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, do đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc nhân thế. Tín lý này đã được Thiên Chúa mạc khải. Do vậy, tất cả mọi tín hữu phải tin kiên vững”.
Đức Thánh Cha vừa dứt lời, tức thì bài thánh ca “Te Deum” cùng với âm nhạc và tiếng chuông đại đền thánh Phêrô vang lên trầm hùng, biểu lộ niềm phấn khởi hân hoan từ ngàn vạn con tim dào dạt sung sướng trước bước vinh quang của Mẹ Vô nhiễm. Đồng thời, bên ngoài, từng loạt đại bác tại lâu đài Thiên thần nổ vang trời, nhịp với chuông tất cả các đền thờ thành Rôma đổ hồi ngân vang reo mừng Mẹ. Các lâu đài, dinh thự và tất cả các tư gia đều kéo cờ tưng bừng, và đêm đến thì trưng đèn rực sáng để ghi dấu một biến cố vinh quang cho Mẹ Vô Nhiễm và vẻ vang cho toàn thể Giáo hội.
Sau bốn năm, năm 1858, Đức Mẹ hiện ra với thánh Bernađetta tại Lộ Đức nước Pháp. Mẹ xưng mình “Ta là Đấng Vô Nhiễm Thai” để xác nhận điều tuyên tín của Đức Piô IX.
  1. Giải thích:
*Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội cho chúng ta thấy nhiều điểm quan trọng:
– Để chuẩn bị cho Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ Của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho Mẹ đặc ân: Ngay từ lúc đầu tiên của đời Mẹ. Mẹ không vương vấn một tỳ vết nào của nguyên tội, không bị ảnh hưởng của tội tổ tông, Mẹ luôn sống trong tình trạng của Đấng đầy ân sủng.
– Mẹ được như thế là do đặc ân siêu việt của Thiên Chúa. Là con cháu của Ađam, Mẹ cũng là một thọ tạo, đáng lẽ Mẹ cũng mang tội tổ tông như mọi người khác, nhưng Chúa đã miễn trừ cho Mẹ. Mẹ cũng có nguy hiểm mắc tội, nhưng Chúa đã cứu khỏi nguy hiểm đó.
– Như vậy, Mẹ cũng cần được cứu chuộc và ơn cứu chuộc là do Đức Giêsu Kitô. Có hai cách cứu chuộc: Một là giải thoát tội đã mắc phải, hai là giữ gìn cho khỏi mắc tội. Mẹ được cứu chuộc theo nghĩa thứ hai này. Vì thế cộng đồng Vaticano II  nói rằng: “Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ con của Ngài” (LG 53).
– Cộng đồng Vaticano II đã diễn tả đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội trong số 56 của Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh (LG) như sau: Các thánh Giáo phụ đã thường xuyên xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện có một không hai ngay từ lúc mới thụ thai. Đức Trinh Nữ thành Nazaret được Thiên Thần vâng mệnh Chúa đến truyền tin và kính chào Đức Maria đầy Ân phúc.
– Kết luận: Qua mầu nhiệm Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria, chúng ta nhận thấy rõ ràng có một tạo vật thuộc hàng ngũ chúng ta, là con người có xương có thịt như chúng ta mà tạo vật ấy lại Vô Nhiễm không chút bợn nhơ tỳ ố nhưng là thanh sạch, trinh trong. Như thế từ trái đất có thể xuất hiện và đã xuất hiện sự trinh trong làm ta phấn khởi, lạc quan, vui sướng. Đó là sự trinh trong nguyên thủy nơi một tạo vật nhân loại luôn được bàn tay Thiên Chúa nâng niu. Như thế Đức Maria vạch ra một con đường – con đường vẫn đầy đau thương, vẫn đòi tin yêu. Thời đại chúng ta chìm đắm trong dâm ô, vì vô vọng tìm lại được trinh khiết. Thế mà trinh khiết vẫn có, vẫn ở tầm tay, không phải tầm tay ta, vì ta còn phải trinh trong hóa cặp mắt, thân xác, tâm hồn. Nhưng ở trong Đức Maria, Đấng ở gần chúng ta, chỉ có một khác biệt: Đức Maria đã nhận được hồng ân Thiên Chúa từ lúc đầu thai với một mức độ tuyệt vời.
III. ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA ?
Chúng ta là con cái Đức Mẹ, sống trong một Hội dòng mang Tên Mẹ Vô Nhiễm. Mẹ là một người Mẹ hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng, luôn tươi xinh,không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ.
Với đặc ân vô nhiễm nguyên tội, đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn, Mẹ Maria là “Evà mới, Evà mang sự sống” chứ không mang cái chết. Chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người, còn Mẹ vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa. Nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ trở thành sao mai dẫn lối nhân loại, và cho mỗi chị em chúng ta trong cuộc sống. Mẹ giúp chúng ta  luôn giữ tâm hồn sạch tội, can đảm vượt qua cuộc hải hành trần gian đầy cam go thử thách nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển qua việc sống lời thưa xin vâng của Mẹ. Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân vô nhiễm nguyên tội, cuộc sống Mẹ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng nguyên vẹn, ngàn trùng chí Thánh, Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này.
Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội, xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa đã yêu thương Mẹ yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã, để chúng con luôn chỗi dậy và được Mẹ dắt tay chỗi dậy. Xin Mẹ  giúp chúng con và nhân loại biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa, làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.
FMI –Tổng hợp nhiều tài liệu
Trong quan niệm thông thường, người ta đánh giá một cử chỉ, một sự việc là “lạ” khi chưa biết rõ nguồn gốc, hay vì nó không tuân theo quy luật thông thường. Một người lạ là người không biết từ đâu đến, hoặc không ai quen biết. Một hiện tượng lạ là điều xảy ra không theo quy luật tự nhiên, hoặc không mấy khi được chứng kiến. Một thái độ “lạ” là cử chỉ bất thường, không giống ai trong đối nhân xử thế. Cũng thế, một sự kiện được cho là “hiếm” nghĩa là ít khi xảy ra, gây ngạc nhiên nơi những người chứng kiến. Những đồ vật hay chất liệu được coi là “hiếm” thường là rất quý, rất đắt đỏ và được nhiều người săn tìm.
Trong xã hội của chúng ta hôm nay, những điều xem ra rất bình dị thông thường, lại được đánh giá là “lạ”. Những cử chỉ lễ phép là nội dung giáo dục truyền thống dành cho trẻ em từ thuở chập chững, nay được coi là “hiếm”. Thì ra, trong một xã hội kinh tế và kỹ nghệ càng càng phát triển, thì những điều nền tảng cho nền đạo đức và giao tế trong xã hội có nguy cơ bị lãng quên.
Còn nhớ, cách nay không lâu, một bác xích lô ở Hà Nội dừng xe để dẫn một cụ già qua đường đang đông xe cộ. Hành động này được mọi người coi là “hiện tượng lạ”.
Cách nay chừng hai tháng, hình ảnh học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Tp HCM) khoanh tay chào bác bảo vệ trường, được rất nhiều người “like” trên mạng và cũng coi là một hiện tượng hiếm (Bài đăng trên báo điện tử ZING 30-9-2017).
Thế rồi, cư dân mạng lại được thể bàn tán và “sốt xình xịch” với hình ảnh nhân viên cây xăng của Nhật đứng dưới mưa cúi đầu chào khách.
Có người cắt nghĩa vui và so sánh thị hiếu của con người thời hiện đại đối với các loại thực phẩm. Ngày xưa, khi còn khó khăn nghèo đói, có những món ăn ở miền quê đã trở thành chán ngắt và rẻ tiền, nhưng mọi người vẫn phải ăn vì không có chọn lựa nào khác. Trong thời phát triển ngày nay, những món ăn đậm chất hương đồng gió nội lại trở thành đặc sản đắt giá và được nhiều người ưa thích săn lùng. Sau khi người ta đã chán với cao lương mỹ vị, người ta tìm về với món ăn dân dã quê mùa, thưởng thức những món ăn xưa kia chỉ thuộc về nhà nghèo như châu chấu, chuột, sâu bọ, ngô, khoai
Trong kho tàng văn chương truyền thống của dân Việt chúng ta, những giáo dục về lòng hiếu thảo, về lời chào và lễ phép rất phong phú. Những ý tưởng đơn sơ mà rất cụ thể, đã trở thành lời ru của mẹ bên nôi, như những lời khuyên nhủ và những giáo huấn đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách, làm nên vốn hành trang vào đời:
* Một chào, hai dạ, ba thưa
Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường.
* Ai cho ai biếu của gì
Tay thì cấm lấy, miệng thì cám ơn.
* “Lời chào cao hơn mâm cỗ, tiếng mời thơm hơn mùi rượu”.
Tháng 3-2016, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam đã phát động phong trào thực hiện văn hóa ứng xử và đề nghị nhân viên của ngành học “4 xin và 4 luôn”. Thoạt nghe có vẻ ghê gớm, nhưng thực ra cũng chỉ là những điều đáng lẽ phải học từ lớp mẫu giáo. Bốn xin là: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Bốn luôn là: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Những lần đi ngang qua các trạm thu phí đường bộ, còn thấy những dòng chữ này được ghi trên tấm biển, nhưng không rõ sau hơn một năm phát động, kết quả của phong trào này đi đến đâu. Bởi lẽ trong thực tế, nhiều nơi và nhiều lúc, “4 xin và 4 luôn” vẫn dừng lại ở những công thức vô hồn mà ít được áp dụng. Thực ra, nụ cười, lời cám ơn và sự thân thiện không chỉ được áp dụng theo công thức chiếu lệ hay theo lệnh của cấp trên, nhưng nó phải phát xuất từ tấm lòng. Một vài cửa hàng kinh doanh, muốn cải cách và áp dụng phong cách tiếp thị nước ngoài, nên huấn luyện cho nhân viên của mình có một công thức chào khách giống nhau. Vì chỉ là công thức, cho nên lời chào và lời cám ơn đã khiến khách giật mình. Lời chào đáng lẽ thể hiện sự thân thiện, lại trở thành hài hước và vô duyên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quên lãng và coi nhẹ những cử chỉ lễ phép, hiếu thảo trong giao tế đời thường. Trong thời bao cấp và thời “mậu dịch quốc doanh”, sự lễ phép, lời chào hoặc lời cám ơn bị coi như những “tàn dư của thời phong kiến” và bị tẩy chayNgày nay cũng vậy, người ta mải chạy theo tham vọng làm giàu, mà quên các tiêu chí đạo đức và văn hóa ứng xử hằng ngày. Nhiều người sống ở nước ngoài, khi về Việt Nam, muốn tỏ ra mình đã “Tây hóa” hoặc “Mỹ hóa”, nên cách ứng xử, ăn mặc nói năng không còn mang nét truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhiều người lại tự hào và cho mình là người của thời hiện đại. Đàng khác, dư luận quần chúng cũng dễ dàng chấp nhận một quan niệm sống sơ sài, đôi khi đi ngược với quan niệm truyền thống.
Cũng phải kể đến trách nhiệm của và trường học, là sự nghiệp “trồng người”. Nhiều khi ngành giáo dục mải chạy theo thành tích hoặc những tiêu chí được khen thưởng, hơn là chất lượng giáo dục. Điều này đã được đề cập quá nhiều trên báo chí. Vì coi thành tích là tiêu chí chính yếu, nên chất lượng bị quên lãng. Hậu quả là có em học sinh lớp 7 mà không viết nổi tên mình. Trường hợp này không phải hư cấu, mà được Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định đây là thông tin đúng sự thật tại trường Trung học cơ sở A Dơi, Quảng Trị (Bài đăng trên báo điện tử ZING 13-4-2015). Dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của giáo dục truyền thống vẫn được đắp nổi trước cửa các trường học, nhưng nhiều khi, đó chỉ là những khẩu hiệu chiếu lệ. Hậu quả là học sinh hành hung giáo viên, học sinh đánh nhau rồi quay video clip phát tán trên mạng trước sự dửng dưng, thậm chí cổ vũ của bạn bè.
Đào tạo cho thế hệ tương lai về đạo đức nhân bản là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, các cộng đoàn giáo xứ và của toàn thể xã hội. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh, học sinh mà biết chào bác bảo vệ, thì trường đó sẽ không có bạo lực, con cái biết nói lời cám ơn, gia đình sẽ hòa thuận; trẻ em ra đường biết chào người lớn, xóm làng sẽ an vui. Cộng đồng trách nhiệm từ phụ huynh tới nhà trường, từ xã hội đến Giáo Hội, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta phát triển toàn diện và bền vững.
                                                   08.12.2017...... Gm Giuse Vũ Văn Thiên

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lời Chúa: Lc 1,26-38

Hôm nay Giáo Hội vui mừng nhìn về Mẹ Maria trong hồng ân tuyệt vời của Chúa là Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vô Nhiễm Nguyên tội là gì? Là Mẹ đã được đặc ân như bà Eva khi Chúa tạo nên Mẹ, ngay từ giây phút đầu tiên thụ thai trong lòng mẹ. Nhưng khác một điều là bà Evà được tạo nên từ bàn tay của Chúa, còn Mẹ Maria được thụ thai trong lòng một con người, nhưng lại không bị ô nhiễm nguyên tội. Đó là do một đặc ân riêng biệt nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu sau này. Chúng ta ngạc nhiên chăng? Thiên Chúa không lệ thuộc vào thời gian. Trước mặt Ngài, tất cả là hiện tại. Chúng ta ở trong thời gian vì thế phải có trước có sau, đối với Chúa không như thế. Vì thế Mẹ Maria được đặc ân là do công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ sau này, trong thời gian. Vì không ai có thể được cứu chuộc mà không nhờ vào ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, Đức Mẹ cũng thế thôi, nhưng trước thời gian. Đó là ý kiến của Giáo Hội và của những nhà thần học. Chúng ta không thể dài dòng tranh luận về vấn đề đó.
Chúng ta chỉ tin theo Giáo Hội là Thầy và là Mẹ chúng ta thôi. Đức tin của chúng ta là đức tin của Giáo Hội. Vậy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nói gì với chúng ta hôm nay?
Chúng ta đang bắt đầu bước vào Mùa Vọng, Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được nhắc đến như một tin vui, một ánh sáng bừng lên trong đêm tối tội lỗi, như một niềm hy vọng mãnh liệt cho chúng ta, những con người đang lữ hành về với Chúa. Mẹ được tạo nên để đón nhận hồng ân tuyệt vời là Chúa Giêsu. Mẹ Maria đứng giữa hai thái cực. Thái cực thứ nhất là bà Eva. Vì bà đã bất tuân lệnh Chúa và đã đem đến cho con cháu sự chết. Thái cực thứ hai là Chúa Giêsu, Đấng mang lại sự sống. Mẹ đứng giữa một bên là bóng tối, một bên là ánh sáng, và Mẹ là ánh sáng, một bên là tội lỗi, một bên là tha thứ, Mẹ là sự trong trắng vẹn tuyền. Mẹ tự xưng là Nữ tỳ của Thiên Chúa hai lần. Một lần khi được truyền tin: Tôi là tôi tớ Thiên Chúa, xin Người cứ thực hiện nơi tôi những gì Người muốn. Lần thứ hai khi đến thăm viếng bà Isave: Thiên Chúa đã nhìn đến phận hèn tớ nữ của Người. Ngược lại với sự bất tuân của bà Evà, Mẹ Maria vâng phục hoàn toàn. Mẹ trở nên mẹ của Đấng hiền lành và khiêm nhượng. Vì thế Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa. Thiên thần Chúa được sai đến với Mẹ với lời chào lạ lùng: “Mừng vui lên, hỡi bà đầy ơn phúc”. Đó chính là âm vang của những lời tiên tri xưa kia: “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Xion”. Mẹ Maria bối rối vì lời chào của thiên sứ vì Mẹ nghĩ rằng Mẹ chỉ là một con người nhỏ bé, một thiếu nữ quê mùa, nghèo nàn. Mẹ đâu biết rằng từ thuở đời đời Mẹ đã được tiền định để trở thành Mẹ Thiên Chúa nhập thể như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô: “Trong Đức Kitô, Chúa đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người…”.
Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là để thực hiện ý định yêu thương của Chúa là cho Con Một của Người nhập thể làm người sinh ra bởi một người phụ nữ như thánh Phaolô đã nói. Người Mẹ của Con Thiên Chúa không thể là nô lệ của tội lỗi. Chúa Giêsu, trước khi nhập thể, đã gìn giữ Mẹ mình khỏi vết nhơ tội lỗi, vì Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài chọn cho Ngài một bà mẹ xứng đáng để đến trong vũng lầy nhơ bẩn của chúng ta.
Nhưng đặc ân cũng là một trách nhiệm. Mẹ lãnh nhận hồng ân, không phải cho Mẹ mà cho chúng ta. Ân huệ của Thiên Chúa không bao giờ chỉ ban cho một người. Người thụ lãnh là người lãnh nhận cho người khác, là người quản lý. Mẹ đã nhận và đã ban cho chúng ta kho báu Chúa Cha đã trao ban cho Mẹ. Mẹ đã phải đau khổ đến tột cùng khi lãnh nhận cho chúng ta hồng ân cao quí là Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha. Chúng ta biết rõ điều đó. Đến lượt chúng ta, chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều, chức vị làm con Chúa, đức tin, nguồn sống thiêng liêng… chúng ta phải trao ban cho mọi người quanh ta những gì chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta không thể hưởng một mình. Chúng ta đã làm được gì?
Hãy đến với Mẹ, trong trường dạy của Mẹ để được Mẹ yêu thương nâng đỡ. Có bà mẹ nào thương chúng ta bằng Mẹ Maria? Có bà mẹ nào quyền phép hơn Mẹ, ân cần và đầy yêu thương như Mẹ? Hãy nép mình dưới áo Mẹ và học với Mẹ vâng phục, khiêm nhường, can đảm và hi sinh. Học với Mẹ bài học yêu thương và cho đi. Chúa Giêsu đã lớn lên trong vòng tay của Mẹ, đã được Mẹ dạy dỗ cho đến lúc cuối cùng. Chúng ta cũng thế, hãy làm như Chúa Giêsu, hãy đến với Mẹ luôn và nhờ Mẹ đến với Chúa.
Và hôm nay, chúng ta hãy cùng với Mẹ ngợi khen lòng thương xót vô bờ của Chúa và xin Mẹ giúp chúng ta đến với Chúa với tâm hồn khiêm tốn và đầy yêu thương, dự vào bàn tiệc tình yêu của Chúa, ăn lấy Chúa để sống với Chúa mọi ngày, nhờ Mẹ và trong Mẹ.
Lm Trầm Phúc
Gp. Mỹ Tho

Thứ sáu ngày ( 08.12.2017)

LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI – LỄ TRỌNG

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 1: 26-38)
Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nad-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà". Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Bà Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được". Bấy giờ bà Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm
Hôm nay chúng ta mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Lòng tin về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội đã có từ lâu trong đời sống đức tin của Giáo Hội. Nhưng mãi đến ngày 08 tháng 12 năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX mới tuyên bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Đức Trinh Nữ Maria ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, do một đặc ân và ân sủng độc nhất vô nhị của Thiên Chúa toàn năng nhờ những công nghiệp của Đức Giêsu Kitô đã được rửa sạch mọi vết nhơ của tội lỗi nguyên tổ”.

Để Mẹ chu toàn ơn gọi “làm Mẹ Chúa Cứu Thế”, Thiên Chúa dự liệu cho Mẹ đặc ân “vô nhiễm nguyên tội”. Đó là sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ, và cho hết thảy mọi người chúng ta. Khi chúng ta bước vào một bậc sống, nhận lãnh một trách nhiệm, chúng ta lo sợ, hoang mang tự hỏi: không biết mình có chu toàn được không! Suy niệm về ơn vô nhiễm tội của Mẹ, giúp chúng ta an lòng, tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Thiên Chúa không phải như một người mẹ đem con bỏ chợ, để sống chết mặc nó, nhưng Ngài hằng chăm sóc, dõi theo ta từng phút giây. Lo sợ, hoang mang khi nhận lãnh một trách nhiệm, là phản ứng của người biết ý thức phận yếu đuối của mình, để xin Chúa thêm ơn, giúp sức và biết tựa vào Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta hãy chạy tới Đức Maria - Đấng khi tiếp nhận đầy đủ chương trình của Chúa, đã đào luyên cách đặc biệt người Con, mà Mẹ đã đồng hành trong mỗi giai đoạn lớn lên của Người, để xin ngài giúp chúng ta biết tín thác vào Chúa khi đối diện với những thách đố trong cuộc đời. 

Được đặc ân cao trọng của Chúa, Mẹ càng trở thành một cộng tác viên đắc lực cho chương trình cứu chuộc của Chúa. Mẹ luôn sẵn sàng “xin vâng” trước mọi đề nghị của Chúa. Mọi biến cố thuận nghịch trong cuộc đời, Mẹ luôn biết “ghi nhớ và suy niệm trong lòng”, để biết sẵn sàng thưa: “xin Chúa thực hiện nơi tôi theo như lời sứ thần nói”. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: Mẹ thật là rạng đông sáng chói của việc tân Phúc Âm hóa, người hướng đạo bảo đảm trên con đường đi của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba”, chúng ta cũng hãy bước theo Mẹ, để học nơi Mẹ cách thế gieo Tin Mừng yêu thương vào trong môi trường sống của chúng ta.

Thứ năm ngày (07.11.2017)

SỐNG VÀ THI HÀNH

 


 
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 7: 21.24-27)
 
Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.
Suy niệm

Trong chúng ta ai cũng thấy tầm quan trọng của móng nhà, móng càng cứng nhà càng vững chắc. Qua các bí tích Khai Tâm, người tín hữu được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, và được mời gọi tham dự vào công việc xây dựng Hội Thánh Chúa. Công việc xây dựng này, không đơn giản như một người thợ nề, nhưng còn hơn thế nữa, mỗi một tín hữu còn là viên gạch làm nên toà nhà Giáo Hội.

Viên gạch của đời Kitô hữu không là một viên gạch bình thường như bao viên gạch, nhưng đó là một khối đá được đúc nén bằng những chất liệu của cuộc sống đức tin giữa cuộc đời. Những chất liệu này là yếu tố quan trọng để cho viên gạch có khả năng kết nối các viên gạch khác làm cho toà nhà được kiên vững trước những giống tố của thế trần gây ra. Chất liệu của cuộc sống đức tin chính là lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

Thật vậy, qua các bí tích Khai Tâm, người Kitô hữu được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô và được mời gọi làm cho Nhiệm Thể này được lớn lên. Được mời gọi tham dự vào công việc xây dựng Hội Thánh Chúa quả là một vinh phúc lớn lao, nhưng để có thể chu tất ơn gọi này một cách mỹ mãn, trước tiên từng Kitô hữu chúng ta phải để cho cuộc đời mình thật sự trở thành viên gạch có khả năng kết nối với các phần tử khác trong toà nhà của Hội Thánh. Khả năng này không đến với chúng ta một cách tự nhiên, nhưng do nỗ lực kiến tạo trong đời sống Kitô hữu của chúng ta. Đây là điều mà Chúa Kitô đã nhắc nhở: lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. 

Bởi Lời Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là sự khôn ngoan cho đời sống Kitô hữu. Tất cả mọi bí kíp để giúp chúng ta đạt tới cùng đích của cuộc sống đều được chứa đựng trong Lời Chúa. Vì vậy, lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống không chỉ làm cho cuộc đời của chúng ta kiên vững trước sóng gió mà còn kiến tạo đời mình thành chất keo có khả năng kết nối với tha nhân, nhờ đó chúng ta không sợ sụp đổ khi đối diện với những trận cuồng phong do ma quỷ gây nên.

Cuộc đời môn đệ là một cuộc đời đi theo Đức Giêsu. Tuy nhiên không chỉ có cái “mác”, mà còn phải có cái “cốt”; cái “chất” của người môn đệ nữa. Người môn sinh hoàn hảo là người để cho Lời Chúa soi dọi, thấm đượm vào từng hành vi, cử chỉ..., đồng thời phải là người trung thành và thi hành theo giáo huấn của Đức Giêsu cách cụ thể chứ không phải trên giấy tờ, sách vở....

Hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh đến căn tính của người môn đệ và mời gọi phải sống triệt để thì mới được chung hưởng phần phúc Nước Trời với Ngài, đó là: "Không phải tất cả những ai nói với Ta, ‘lạy Chúa, lạy Chúa!’, là được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời”. Như vậy, người được tuyển chọn chính là những người dám sống những đòi hỏi của Tin Mừng cách thực tế chứ không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi. Không chỉ hiểu mà còn phải sống và thi hành những gì đã cảm nghiệm.

Điều đó đã được Đức Giêsu vạch ra trong bài giảng trên núi. Thi hành như thế là người khôn ngoan, biết lo cho cuộc sống mai hậu, biết xây đời mình trên đá chứ không phải trên cát.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần tránh lối sống giả hình, đạo đức hão huyền. Không thể sống mãi kiểu đạo đức hình thức bên ngoài. Những chuyện bên lề đó chỉ là khởi điểm để dẫn ta đi đến cốt lõi của đạo. Nếu không sống cốt lõi của nó, thì mãi mãi chúng ta chỉ là kẻ dựa dẫm, lăng xăng mà thôi.

Hãy tránh cho xa những thói giả hình như: phô trương, hình thức; quá lo lắng đến tiếng tăm bề ngoài; hay xét đoán người khác trong sự nông nổi, nhẹ nhạ....

Cần phải thi hành cho được những đức tính tốt như: phục vụ anh chị em cách vô vị lợi; chia sẻ cơm bánh cho người nghèo cách quảng đại; khiêm tốn khi thành công; vững tin khi thất bại và phó thác trong mọi hoàn cảnh; đồng thời, làm mọi việc là vì vinh danh Chúa chứ không phải vinh thân chúng ta.
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển