Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

CHÚA NHẬT PHỤC SINH 2020.

Mừng lễ Chúa Phục Sinh, Kitô hữu xin ơn đổi mới

Thứ bảy - 11/04/2020 21:18
Mừng lễ Chúa Phục Sinh, Kitô hữu xin ơn đổi mới
Mỗi lần mừng lễ Phục Sinh, tín hữu chúng ta đều chìm ngập trong bầu khí hân hoan vui sướng. Vì Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia! Alleluia! Biến cố Chúa sống lại từ cõi chết đã trở thành một bảo chứng chắc chắn ơn cứu rỗi cho ta bây giờ và sau này.
Mỗi lần mừng lễ Phục Sinh, tín hữu chúng ta đều chìm ngập trong bầu khí hân hoan vui sướng. Vì Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia! Alleluia! Biến cố Chúa sống lại từ cõi chết đã trở thành một bảo chứng chắc chắn ơn cứu rỗi cho ta bây giờ và sau này.
 
 
Chúng ta luôn xác tín điều này là, “Đức Kitô đã sống lại. Vì thế chúng ta không còn lý do gì để buồn sầu, đau khổ hay thất vọng. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh có sức biến đổi đời sống chúng ta: tăng thêm niềm tin yêu và lòng can đảm, nhiệt thành làm chứng về Người. Chúa Kitô đã sống lại và chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Người cho nên thay vì lo lắng những chuyện mau qua chóng hết, chúng ta hướng hết tâm trí lên Người, tìm kiếm những gì thuộc vương quốc của Người”. [1]
 
Thánh Phao-lô đã khẳng định: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8, 11).
 
Sự kiện Đức Ki-tô phục sinh luôn hướng chúng ta về một thực tại mới: sự sống mới, cuộc sống mới, con người mới và tất cả những gì được biến đổi nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Đó là ơn Phục Sinh Chúa hứa ban cho chúng ta. Và thánh Phao-lô đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới anh em” (Ep 4, 23). 
 
Ngay từ đầu mùa Chay, chúng ta đã được nhắc bảo về tâm tình và thái độ phải có để đón nhận sự tha thứ và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, đó là sám hối và tin vào Tin Mừng (x. Mc 1, 15). Đây là một sự chuẩn bị cần thiết giúp chúng ta hoán cải con người cũ để đón nhận ơn Phục Sinh. Lời kêu gọi hoán cải luôn là một sứ điệp hệ trọng nhắc nhở chúng ta khiêm tốn và chân thành trong việc thay cũ đổi mới toàn bộ con người và cuộc sống chúng ta.
 
Sự hoán cải mang tầm vóc quan trọng nhất của đời người, vì không có hoán cải thì không có đổi mới bản thân, không muốn trở về với Chúa, nên cũng không thể đón nhận Tin Mừng và ơn cứu độ (x.Lc 13, 3.5).
 
Chúa kêu gọi chúng ta hoán cải. Điều đó có ý nghĩa gì?
 
“Hoán cải (conversion) được sử dụng theo nhiều nghĩa khác nhau. Nói chung, hoán cải là một sự thay đổi đời sống: bỏ một cung cách sống quen thuộc để nhận một cung cách sống mới tốt hơn; quên mình để biết phục vụ tha nhân và cộng đồng hữu hiệu hơn. Cuối cùng, dù quyết định hay đổi mới cách nào đi nữa, thì điều quan trọng là đưa ta tới gần Đấng là nguồn mạch thiện hảo, và cũng là đích điểm của đời sống con người. Ý nghĩa cuối cùng này hoàn toàn mang tính tôn giáo.
 
“Hoán cải theo từ Hy Lạp (metanoia) dùng trong Tân Ước có nghĩa là đổi ý hướng, đổi tâm tình, đổi não trạng. Sự thay đổi này không chỉ trên bình diện tâm trí, mà còn là có nghĩa là thay đổi hướng đi, thay đổi đường xưa lối cũ, để quay về với Thiên Chúa, để ta được kết hợp và dự phần vào sự sống của Ngài.
 
“Hoán cải là một trong những điểm then chốt của đời sống Kitô hữu. Nó bàng bạc trong tất cả giáo huấn của Kinh Thánh, từ lời rao giảng của các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả, đến Đức Giêsu và các Tông Ðồ. "Hãy sám hối", "Hãy hoán cải" là những lời đầu tiên Ðức Giêsu nói với người Do Thái, trước cả những lời dạy được coi là cốt yếu khác, trước cả Bài Giảng Trên Núi được coi là Hiến chương của Nước Trời. Lời kêu gọi hoán cải còn tiếp tục vang lên trong suốt cuộc đời của Đức Giêsu cho tới Thập giá, thậm chí cho tới lúc Ngài về trời, qua lời Ngài căn dặn các môn đệ là "phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24, 47). [2]
  
Thánh Phao-lô đã nhắc nhở: “Anh em phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Eph 4, 24). Ngài cũng quả quyết rằng: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27). Ngài cũng mời gọi: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13,14).
 
Vậy để đón nhận ơn Phục Sinh mà Chúa đã hứa ban, chúng ta phải chấp nhận một cuộc “lột xác”, tức là thay cũ đổi mới. Đổi mới con người, đổi mới đời sống, đổi mới tư duy, đổi mới trái tim, đổi mới hành động, đổi mới các các lối sống không phù hợp với Tin Mừng…
 
Đổi mới tư duy: Từ bỏ cách giữ đạo hình thức
 
Ki-tô hữu là người tin Chúa, theo Chúa, là người có đạo Chúa. Chúng ta luôn hãnh diện về điều đó. Tuy nhiên, xét cho kỹ, nhiều người trong chúng ta có đạo, giữ đạo nhưng không sống đạo. Chúng ta giữ đạo như mặc một chiếc áo bên ngoài, như mang một trang sức đặc biệt, như sở hữu một đồ vật gì quý giá. Đạo như thế mãi mãi bên ngoài ta, đạo chưa thấm vào máu thịt ta nên đạo chưa ảnh hưởng gì đến ta và ta chưa đồng hóa được với đạo.
 
Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3, 27). Chỗ khác ngài cũng nói: “Anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13, 14). 
 
Như vậy “mặc lấy Đức Ki-tô” là cách nói diễn tả sự thuộc về, sự đồng hóa của tín hữu đối với Chúa Ki-tô. Khi chúng ta giữ đạo một cách hời hợt, hình thức thì quả thực Chúa chẳng ảnh hưởng gì đối với ta. Cùng lắm là chúng ta chỉ làm một vài việc của Chúa, tham gia một vài hoạt động nhân danh Chúa, mặc những chiếc áo đồng phục hội-đoàn-nhóm sinh hoạt trong cộng đoàn. Và điều đó nhiều khi lại là cái cớ khiến ta vấp phạm.
 
Đức HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận đã nhắc nhở chúng ta là hãy đặt Chúa lên trên việc-của-Chúa. Bởi vì khi chúng ta quá say mê làm những việc-của-Chúa, việc-của-cộng đoàn, việc-của-đoàn thể thì sẽ dễ dàng bỏ qua đời sống nội tâm, lơ là việc kết hiệp với Chúa, khô khan ít cầu nguyện, và không quan tâm tới thực thi bác ái đối với tha nhân.
 
Đặc biệt trong bài “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo”, Đức cố Hồng y cũng đã lưu ý chúng ta về bệnh chuẩn mực trần tục: Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người Công giáo kiểu đó thường hay trở thành công giáo tùy thời: Thịnh thì Công giáo, suy thì chối.
 
Ngài cũng đề cập việc loại người Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy. [3]
 
Nguy cơ của việc giữ đạo hình thức là khi nào cần Chúa thì ta chạy đến cầu xin, khấn vái, khi nào ta thấy mình đầy đủ yên ổn cả rồi thì không quan tâm đến Chúa nữa. Đó là thực tế mà chúng ta phải suy nghĩ. Người Ki-tô hữu chính danh sẽ luôn là tấm gương phản chiếu dung nhan Đức Ki-tô phục sinh. Nếu không, Chúa sẽ nói với chúng ta, “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. (Mc 7, 6)
 
Đổi mới tấm lòng: Mở rộng trái tim để yêu như Chúa
 
“Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con” (Tv 50).
 
Dịp lễ Phục Sinh là cơ hội thuận tiện để chúng ta xin Chúa Thánh Thần canh tân lòng trí chúng ta. Nhất là ban cho cho chúng ta một quả tim mới để chúng ta yêu Chúa như Chúa muốn và yêu người như Chúa yêu.
 
Thông thường trong đời sống đạo, chúng ta quan tâm đến những vấn đề đức tin, thực hành nghi lễ hơn là đức ái. Chúng ta siêng năng việc kinh kệ, lễ nghi, rước sách, hội đoàn, lễ mừng. Trong khi thực thi đức ái phải là mối quan tâm hàng đầu vì đó là giới răn cực kỳ quan trọng của người Ki-tô hữu. Đức ái chính là dấu hiệu của người môn đệ Đức Ki-tô. Chúa đã phán: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
 
Thực tế, chúng ta đã thực hành đức ái thế nào? Trong gia đình, ông bà cha mẹ yêu thương con cháu ra sao? Con cháu quý mến ông bà cha mẹ thế nào? Anh chị em quan tâm nâng đỡ nhau làm sao? Trong đời sống hôn nhân, vợ chồng đối xử với nhau thế nào? Trong cộng đoàn lớn nhỏ, chúng ta phục vụ nhau ra sao… Tất cả những câu hỏi đó đều có liên quan tới bác ái Ki-tô giáo.
 
Để yêu như Chúa yêu, chúng ta không thể yêu lưng chừng được. Cũng không phải là yêu “có điều kiện” như kiểu có qua có lại mới toại lòng nhau! Tình yêu của chúng ta với nhau phải dõi theo mẫu gương yêu thương của Đức Ki-tô. Đó là yêu đến cùng (x. Ga 13, 1), yêu mãnh liệt, yêu vị tha, yêu quy hướng về Cha trên trời, yêu trong tinh thần vâng phục và khiêm tốn.
 
Những ai tin theo Chúa không có chọn lựa nào khác là yêu như Chúa và nhờ Chúa. Lời Chúa vẫn còn đây: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
 
Có thể nói nét chính yếu nhất của việc sống đạo của Ki-tô hữu, đó là thực thi lòng mến Ki-tô giáo. Mến Chúa yêu người luôn là giới răn quan trọng nhất. Thánh Phao-lô đã tóm tắt trong câu ngắn ngủi này, “Yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 10). Thánh Gio-an cũng nhấn mạnh, “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 7).
 
Việc yêu người luôn xuất phát từ lòng mến Chúa. Cho nên những ai tin theo Chúa thì không thể bỏ sót việc thực thi nhiệm vụ bác ái đối với tha nhân được. Việc sống đạo, hành đạo của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết tích cực phục vụ Đức Ki-tô trong anh em. Như Chúa đã phán, “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9, 41).
 
Chúng ta vẫn thường tự hào nói rằng “Đạo Công giáo là đạo-yêu”. Điều đó rất chính xác. Có nghĩa là Ki-tô hữu chúng ta phải là những người biết yêu và sống yêu. Chúa Giê-su cũng đã khẳng định, chỉ những người yêu anh em mình thì mới xứng đáng là môn đệ của Chúa (x. Ga 13, 34-35). Thánh Phao-lô cũng nhấn mạnh, “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13, 8).
 
Đổi mới nếp sống cũ: Đón nhận đời sống mới trong Đức Ki-tô
 
Về việc đón nhận đời sống mới trong Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã căn dặn các tín hữu thế này: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22-24).
 
Chúng ta biết rằng, truyền giáo là bản chất của Hội thánh và mỗi Ki-tô hữu là một tông đồ, một nhà truyền giáo và một chứng nhân. Nói cách khác, mỗi Ki-tô hữu và cộng đoàn chúng ta phải là ánh sáng, là men, là muối cho đời (x. Mt 5, 13-16). Nhưng chúng ta sẽ làm chứng làm sao về Chúa Ki-tô chết sống lại, chúng ta sẽ rao giảng như thế nào về Tin Mừng Ki-tô giáo, khi mà đời sống của cá nhân và cộng đoàn chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của thói quen phô trương, tinh thần tục hóa và nếp sống xa hoa phung phí.
 
a- Từ bỏ nếp sống phô trương và tục hóa
 
Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận trong bài “Mười căn bệnh làm băng hoại người công giáo”, đã nhắc nhở tín hữu như sau:
 
“Căn bệnh phô trương chiến thắng: Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là ‘triomphalisme’; người Mỹ cũng có từ ngữ ‘show up’.
 
“Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Hãy cai chứng bệnh phô trương, vì cái chiều sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?
 
“Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự”. [3]
 
Trong khi đó, khi nói về nguồn gốc của các chước cám dỗ, ĐGM GB Bùi Tuần (Gp Long Xuyên) đã đề cập đến một trong các nguồn gốc chính của cám dỗ, đó là những thói đời. Ngài viết:
 
“Thánh Phaolô khuyên giáo đoàn Rôma: ‘Anh em đừng rập theo thói đời này’ (Rm 12,2). Một điều có sức cám dỗ mạnh của thói đời là sự khôn ngoan chối từ thập giá Đức Kitô. Đối với thánh Phaolô, sự khôn ngoan của thế gian không có sức cứu độ. Ngài cương quyết nhận lãnh sự khôn ngoan của Thần Khí được ban cho từ Đức Kitô trên thánh giá. ‘Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá’ (1 Cr 2,2). Hiện nay thói đời chính là tinh thần thế tục. Tinh thần này đang tràn vào Hội Thánh Việt Nam. Tác động của nó không phải là nhỏ trong nhiều lãnh vực tôn giáo”. [4]
 
Hiện nay, không khó để nhận ra những biểu hiện phô trương, tục hóa trong các cộng đoàn lớn nhỏ. Nào là lễ lạc, đình đám. Nào là xây cất, mở mang. Nào là đại hội, quy tụ… Tất cả những thực tế đó quả thực đã che khuất phần nào hình ảnh một Hội thánh nghèo hèn, đơn sơ, khiêm hạ mà Chúa Ki-tô đã thiết lập từ hơn 2000 năm nay. 
 
b- Từ bỏ nếp sống giàu có xa hoa
 
ĐTC Phao-lô VI đã nói: “Ngày nay người ta tin những chứng nhân hơn là thầy dạy”. Hội thánh của Chúa Ki-tô sẽ làm chứng về Tin Mừng Cứu Độ thông qua đời sống phục vụ, đời sống khó nghèo, cách sống khiêm hạ. Chúng ta không thể làm chứng cho Chúa bằng nếp sống xa hoa, dư thừa và giàu có. Bởi vì những thứ đó rất xa lạ với Lời Chúa, với những lời rao giảng của các Tông đồ, với bản chất truyền giáo của Hội thánh Đức Ki-tô.
 
Hội thánh của Chúa Ki-tô là một Hội thánh nghèo và cho người nghèo.
 
Sự khó nghèo theo Tin Mừng Ki-tô giáo có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. ĐTC Phan-xi-cô đã nói nhiều về đức khó nghèo và bản thân ngài cũng làm gương cụ thể và sáng chói về điều này. Có lần ngài nói, “Tôi ước mong một Hội thánh nghèo và cho người nghèo”. Ngài đã từng ngồi ăn với tù nhân, với người nghèo cùng khổ trong xã hội, với những người tỵ nạn vv. Ngài ở giữa họ như Chúa Giê-su ở giữa đám dân nghèo, để nói và làm chứng về Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
 
ĐTC đã đưa ra một định hướng cho vấn đề sống nghèo và phục vụ theo Tin Mừng của Đức Ki-tô. Đây là mấy giáo huấn của ngài: [5]
 
“Khi chúng ta giúp đỡ người nghèo, chúng ta không làm công việc của một tổ chức cứu trợ ‘theo cách của Kitô giáo’. Làm thế là một việc tốt, một việc tử tế, cứu trợ là tốt đẹp và nhân văn, nhưng đây không phải là sự nghèo khó Kitô mà thánh Phaolô giảng dạy và mong muốn cho mỗi người chúng ta. Nghèo khó Kitô là tôi cho đi bản thân mình, chứ không phải những thứ mình dư thừa, tôi trao cho người nghèo cái tôi đang cần cho mình, bởi tôi biết rằng người nghèo đó làm giàu cho tôi. Tại sao người nghèo lại làm giàu cho tôi? Bởi chính Chúa Giêsu nói rằng Ngài ở nơi người nghèo.
 
“Khi người ta không lấy của dư dật, mà lấy một sự của chính mình, để trao cho người nghèo, cho một cộng đoàn nghèo, thì người đó sẽ được làm cho giàu có. Chúa Giêsu hành động trong những người làm việc này, và khi họ làm rồi, thì Chúa Giêsu hành động trong người nghèo, làm giàu có cho người đã trao cho mình chân giá trị.
 
“Đây là thần học nghèo khó. Bởi nghèo khó là tâm điểm của Tin mừng, chứ không phải là một hệ tư tưởng. Chính bởi mầu nhiệm này, mầu nhiệm Chúa Kitô tự hạ mình, Đấng để mình bị bần cùng hóa để phong phú hóa chúng ta. Vậy nên, có thể hiểu được vì sao mối Phúc thật đầu tiên là ‘Phúc thay những ai nghèo khó trong lòng.’ Nghèo khó trong lòng nghĩa là đi trên đường của Chúa, sự nghèo khó của Thiên Chúa, Đấng tự hạ mình đến nỗi trở nên bánh ăn cho chúng ta trong lễ hiến tế. Ngài tiếp tục hạ mình vào lịch sử Giáo hội, vào tưởng niệm cuộc thương khó, và bằng việc tưởng niệm sự sỉ nhục của Ngài, tưởng niệm sự nghèo khó của Ngài, bằng chính bánh này, mà Ngài làm cho chúng ta nên giàu có”./. [5]
 
Aug. Trần Cao Khải
 

VỌNG PHỤC SINH 2020

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Phục Sinh

Chủ nhật - 12/04/2020 15:25

Đức Thánh Cha cử hành lễ Vọng Phục Sinh

Vào lúc 9 giờ tối thứ Bảy Tuần Thánh 11/4/2020, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu: “Đêm nay, chúng ta chinh phục một quyền cơ bản, quyền sẽ không bị tước khỏi chúng ta: quyền hy vọng”.

Vào lúc 9 giờ tối thứ Bảy Tuần Thánh 11/4/2020, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu: “Đêm nay, chúng ta chinh phục một quyền cơ bản, quyền sẽ không bị tước khỏi chúng ta: quyền hy vọng”.

Cũng như các cử hành phụng vụ trong những ngày vừa qua, do đại dịch, Thánh lễ không có giáo dân tham dự và không có ban bí tích Rửa tội.
Thinh lặng vĩ đại của Thứ Bảy Thánh
Trong bài giảng thánh lễ, trước hết Đức Thánh Cha nhắc mọi người nhớ rằng, hôm nay, ngày thứ Bảy, ngày của Tam Nhật Thánh, nhưng thường chúng ta lơ là với ngày này, do tâm trạng sốt ruột chờ đợi từ ngày Thứ Sáu Thánh đến Alleluia của Chúa Nhật. Nhưng, liên hệ đến thời điểm hiện nay, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tuy nhiên, năm nay, hơn bao giờ hết chúng ta cảm nhận Thứ Bảy Thánh là một ngày thinh lặng vĩ đại. Chúng ta có thể nhìn vào chính mình cùng với những cảm xúc của các phụ nữ. Như chúng ta, họ đã chứng kiến thảm kịch của đau khổ, một bi kịch xảy ra bất ngờ. Họ đã thấy cái chết và sự chết cũng đã hiện diện trong tâm hồn họ. Nỗi đau cùng với nỗi sợ hãi, các phụ nữ tự hỏi ‘người ta sẽ hành xử với chúng ta như đã đối xử với Thầy?’ Và rồi những nỗi sợ hãi cho tương lại, tất cả cần phải xây dựng lại. Ký ức bị tổn thương, niềm hy vọng bị bóp nghẹt. Đối với họ đó là giờ đen tối nhất”.
Không chạy trốn thực tế
Tiếp đến, Đức Thánh Cha ca ngợi thái độ của các phụ nữ khi đứng trước đau khổ, thất vọng và sợ hãi: “Nhưng trong hoàn cảnh này, các phụ nữ không để mình bị tê liệt. Họ không nhượng bộ trước sức mạnh đen tối của những lời than thở và thương tiếc, không khép mình trong bi quan, không chạy trốn thực tế. Vào ngày thứ Bảy, các phụ nữ đã làm một việc đơn giản nhưng phi thường: trong nhà, họ chuẩn bị thuốc thơm để xức xác Chúa. Họ không từ bỏ tình yêu: trong bóng tối tâm hồn, họ thắp sáng lòng thương xót. Trong lúc chuẩn bị những điều này, các phụ nữ không biết họ đang chuẩn bị cho ‘bình minh của ngày thứ Nhất trong tuần’, ngày sẽ thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu như hạt giống đang ở trong lòng đất, chuẩn bị nảy sinh một sự sống mới, và các phụ nữ, với lời cầu nguyện và tình yêu giúp hy vọng nở hoa”.
Quyền hy vọng
Từ những cử chỉ hy vọng của các phụ nữ, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu: “Đêm nay, chúng ta chinh phục một quyền cơ bản, quyền sẽ không bị tước khỏi chúng ta: quyền hy vọng. Đây không chỉ là một sự lạc quan, một sự khích lệ. Đây là một hồng ân từ Trời cao, chúng ta không thể tự mình tạo ra. Mọi thứ sẽ ổn. Chúng ta nói điều này một cách kiên trì trong những tuần này, chúng ta bám vào vẻ đẹp của nhân loại chúng ta và làm cho con tim trỗi dậy những lời khích lệ. Nhưng thời gian trôi qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả niềm hy vọng táo bạo cũng có thể tan biến. Niềm hy vọng của Chúa Giêsu thì khác xa. Chúa đặt vào tâm hồn sự tin chắc rằng Chúa biết cách biến mọi sự trở nên tốt đẹp, bởi vì ngay cả từ ngôi mộ, Chúa cũng đã làm phát sinh sự sống”.
Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói về lòng can đảm của các phụ nữ và giải thích rằng can đảm là một thứ người ta không thể cho đi: “Anh chị em không thể cho người khác sự can đảm nhưng anh chị em có thể lãnh nhận nó như một ân ban. Chỉ cần chúng ta mở rộng con tim trong cầu nguyện, chỉ cần cố gắng nhấc ra một chút hòn đá đặt ở lối vào của con tim để có chỗ cho ánh sáng Chúa đi vào là chúng ta sẽ lãnh nhận được hồng ân can đảm”.
Loan báo Phục Sinh, loan báo niềm hy vọng
Sau khi đã lãnh nhận hồng ân can đảm, Chúa Giêsu trao sứ vụ cho các phụ nữ. Về điểm này, Đức Thánh Cha nói: “Đây là việc loan báo Phục Sinh, loan báo niềm hy vọng. Chúa nói: ‘Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó’ (Mt 28,10), thiên thần nói ‘Người đi Galilê trước các ông’ (c. 7). Thật vui khi chúng ta biết Chúa đi trước chúng ta. Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi của những ký ức, đặc biệt là nơi của lời kêu gọi đầu tiên. Trở về Galilê nhắc nhở chúng ta, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhớ rằng chúng ta được sinh ra và được tái sinh từ một tiếng gọi yêu thương nhưng không. Đây là một điểm để chúng ta luôn bắt đầu lại, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng, trong thời gian thử thách”.
Đức Thánh Cha mở rộng ý nghĩa vùng đất Galilê để nói về sứ vụ của người môn đệ: “Nhưng Galilê có nhiều điều để nói. Đó là một nơi không chỉ xa Giêrusalem về mặt địa lý, mà còn về chiều kích thánh thiêng. Galilê là một vùng đất, nơi có nhiều tôn giáo hiện diện. Chúa Giêsu sai các môn đệ đến đó, yêu cầu các ông bắt đầu từ đó. Điều này có nghĩa là gì? Trong việc loan báo niềm hy vọng, không được giới hạn trong hàng rào thánh thiêng của chúng ta, nhưng loan báo cho tất cả. Bởi vì tất cả đều cần được khích lệ, và nếu chúng ta không làm điều này, không chạm đến ‘Lời sự sống’ (1Ga 1,1), thì ai sẽ làm?”
loan báo sự sống trong thời điểm cái chết
Đức Thánh Cha khích lệ các tín hữu hãy trở thành các Kitô hữu, những người mang lấy gánh nặng của người khác, những người đem niềm ủi an. “An chị em hãy trở thành những người loan báo sự sống trong thời điểm cái chết! Tại mỗi Galilê, mỗi nơi của nhân loại, nơi chúng ta thuộc về, chúng ta hãy mang đến bài ca sự sống! Chúng ta hãy làm cho tiếng kêu của sự chết phải im lặng, đã quá đủ chiến tranh rồi.” Hãy ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, bởi vì chúng ta cần bánh chứ không cần súng đạn. Hãy ngừng phá thai, giết hại thai nhi vô tội. Hãy mở rộng con tim để lấp đầy những bàn tay trống rỗng thiếu những điều cần thiết”.
Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với việc mô tả hành động của các phụ nữ: “Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân” (Mt 28, 9). Đức Thánh Cha giải thích: “Để đến gặp chúng ta, đôi chân Chúa phải đi một hành trình dài, đi đến tận cùng của ngôi mộ và bước ra từ đó. Các phụ nữ ôm lấy đôi chân đã giẫm lên cái chết và mở ra con đường hy vọng. Chúng ta, những người lữ hành đang tìm kiếm niềm hy vọng, hôm nay chúng ta níu kéo, ôm lấy Chúa, Đấng Phục Sinh. Chúng ta quay lưng lại với cái chết và chúng ta mở lòng ra với Chúa, Đấng là Sự sống”.

Ngọc Yến - Vatican