BÍ TÍCH HỌC - Lm. Jos Thân Văn Tường

BÍ TÍCH HỌC
Lm. Jos. Thân Văn Tường
Lm. Jos. Thân Văn Tường
Nhập đề
Để cứu vớt loài người sau khi phạm tội, Thiên Chúa không để cho họ phải bất lực với sức tự nhiên của họ, nhưng đã can thiệp vào đời sống và lịch sử của họ. Người đã đến với Abraham, Người đã tách một dân riêng khỏi các dân khác, Người đã hướng dẫn dân này “với bàn tay mạnh mẽ và cánh tay vươn ra” (Dt 5,15), Người đã tỏ rõ quyền năng Người bằng những “dấu hiệu” và bằng sự che chở của Người, “rồi sau khi đã phán bảo với tổ phụ nhờ các tiên tri nhiều lần và bằng nhiều cách, thì trong những ngày sau hết, Thiên Chúa đã nói với chúng ta bởi Con mà Người đã đặt làm thừa tự mọi sự và bởi đó, Người đã tạo dựng thế gian” (Hebr 1,1-2). Chúa Kitô tiếp tục và hoàn thành mầu nhiệm cứu chuộc bằng lời rao giảng, việc làm, sự đau đớn và các phép lạ của Người. Lời nói, việc làm, sự đau đớn và phép lạ của Chúa đều là “dấu chỉ” hữu hiệu mà Giáo Hội hằng gợi lên bằng biểu tượng để áp dụng cho ta. Như vậy, đời sống Bí tích của Giáo Hội là những hoạt động gợi lên những “dấu chỉ” về sự sống và sự chết của Chúa Kitô mà người tín hữu hằng nhận được để củng cố đức tin và sự sống siêu nhiên của họ.
Trong những dấu chỉ phong phú và dị biệt gồm cả cuộc đời của Chúa Giêsu, có những dấu chỉ có một vai trò quan hệ đặc biệt do ý muốn và quyết định của Chúa, như phép Rửa tội và phép Mình Thánh là bí tích của sự vượt qua, sự sát nhập vào dân được cứu chuộc... và thâu tóm cả mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại.
Xung quanh những dấu chỉ chính ấy, quy tụ một số những dấu chỉ khác ít quan hệ hơn, đó là các Bí tích và các phụ tích. Tất cả các dấu chỉ ấy làm nên nghi lễ (rites) của Giáo Hội.
Ở thế kỷ XII, các nhà Thần học bắt đầu phân biệt các Bí tích và các phụ tích và ấn định các Bí tích chỉ có bảy. Các Công đồng, nhất là Công đồng Trentô đã chấp nhận quan niệm trên của các nhà Thần học.
Quan niệm ấy giúp ta có những khái niệm rõ ràng về các Bí tích, nhưng cũng có thể làm cho ta quên rằng không phải chỉ có “bảy Bí tích”, mà còn có vô số những “dấu chỉ” khác tuy ít quan hệ hơn, nhưng cũng cần thiết mà Giáo Hội cử hành trong lúc hay ngoài lúc cử hành bảy Bí tích để giải thích và làm cho phong phú ý nghĩa của bảy Bí tích, và còn để diễn tả những khía cạnh khác của đời sống và sự chết của Chúa Giêsu nữa.
Ngay bảy Bí tích cũng không quan hệ như nhau và không giống nhau như hai đơn tố của cùng một loại. Chính Công đồng Trentô đã quả quyết: “Nếu ai nói rằng các Bí tích giống nhau đến nỗi không vì lý do gì mà có thể cho rằng một Bí tích quý hơn Bí tích khác, thì bị dứt phép thông công” (Dz 846). Như vậy, các dấu chỉ trong Giáo Hội làm nên một duy nhất và có giá trị không đồng đều. Đó là lý do để đặt vấn đề: Khái niệm về Bí tích ở đầu “BÍ TÍCH HỌC”.
Sau hết, các Bí tích không phải chỉ là những dấu chỉ nhưng còn là máng thông ân sủng. Chúa Giêsu cho ta nhận biết mầu nhiệm cứu chuộc nhờ các Bí tích, và khi ta biết và tin theo, thì Người lại dùng Bí tích để biến đổi ta nên giống như Người. Nói khác đi, Bí tích còn là dụng cụ Chúa Giêsu dùng mà đưa ta về với Cha Người. vì thế, thánh Tôma đã định nghĩa Bí tích là: “Signum efficax gratiae”.