Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017

Thứ ba ngày (05.12.2017)


 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10: 21-24)
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho". Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe".



Hội Thánh đã vào Mùa Vọng, mùa trông đợi Ðấng Cứu Thế mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Tuy nhiên, ơn cứu độ của Chúa đã ban rộng rãi, nhưng không phải ai cũng có thể đón nhận. Bởi chỉ có những tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ mới có thể hội đủ điều kiện đón nhận mà thôi. Nói cách khác, sự đơn sơ, khiêm hạ chính là cánh cửa mở ra để con người bước vào ơn cứu độ. Ngược lại, những kẻ cậy mình khôn ngoan, thông hiểu sẽ không được biết những kín nhiệm của trời cao. Bởi Thiên Chúa yêu người hèn mọn. Ngài bênh vực người yếu đuối. Chính trong sự nhỏ bé của con người, huyền nhiệm tình yêu được bày tỏ.

Trong lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu phân biệt rõ hai hạn người: “khôn ngoan thông thái” và “những kẻ bé mọn”: “Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”

Chúng ta cần trở nên những người bé mọn theo tinh thần Phúc Âm, để cảm nếm và sống hòa hiệp với Thiên Chúa. Ðức tin Kitô giáo hướng dẫn chúng ta đến một con người cụ thể, một vị Thiên Chúa chấp nhận sống với con người, chứ không phải những lý lẽ thần học cao siêu. Một con người khiêm tốn có thể có đức tin sâu xa hơn một nhà thông thái. Ðức tin là một hồng ân cần được lãnh nhận hơn là kết quả của sưu tầm trí thức của con người. Thánh Têrêsa Avila, tuy không học hành nhiều, nhưng đã có kinh nghiệm sống động về Thiên Chúa và đã trình bày kinh nghiệm thiêng liêng của mình một cách tốt đẹp, đến nỗi đã được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh, vì giáo huấn của thánh nữ để lại là kho tàng thiêng liêng quí báu giúp mọi thành phần Giáo Hội đến với mầu nhiệm Thiên Chúa.
Ngày nay, nhiều người giáo dục con cái về tình thương, nhân ái, liên đới với mọi người bằng cách: khi ra đường, thấy những người ăn xin..., họ thường đưa tiền cho con cái của họ và dặn các cháu lễ phép, kính trọng biếu những người đó. Hay khi bỏ tiền vào rỏ ở nhà thờ hay đền thánh..., họ cũng thường đưa cho các bé bỏ vào. Qua đó, họ muốn con họ sau này sống có tình thương, chia sẻ, liên đới.

Hôm nay, Đức Giêsu đã thực hiện một phép lạ cả thể là chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Ngài không muốn làm một mình, nhưng Ngài muốn các môn đệ chung chia nỗi thao thức với Ngài, vì thế, Ngài đã gọi các ông lại và nói: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Đức Giêsu đã khéo khơi gợi lòng bác ái nơi các môn đệ, và như thế, Ngài đã dạy cho các ông bài học quý báu là phải biết lo lắng cho những người đang cần sự giúp đỡ của họ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Cần có một tình thương bao la, không giới hạn giữa bạn và thù. Nếu những người ốm đau, bệnh tật thời Đức Giêsu, họ đã tìm lại được sự bình an, hạnh phúc khi gặp được Ngài, thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải làm cho khuôn mặt, hành động và tình thương của Đức Giêsu được lan truyền và sống động nơi các hành vi, từ cử chỉ, ánh mắt đến nụ cười của mình được thấm đượm vị mặn Giêsu, để những ai gặp được chúng ta, họ như gặp được nguồn bình an, sự cảm thông, lòng thương xót và được hạnh phúc.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng thật ý nghĩa khi nó được đặt vào ngay trong Mùa Vọng, vì Mùa Vọng gợi nhớ và nhắc nhở mỗi chúng ta nhớ lại tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, đồng thời biết loan truyền tình thương ấy cho người khác.
Trong xã hội, người nắm giữ những chức vụ, vai trò liên quan đến tôn giáo, họ được học và am tường Kinh Thánh, Giáo Lý nhiều. Có khi họ am tường hơn cả chúng ta! Tuy nhiên, điều khác biệt chính là họ không có lòng mến và không hề có đức tin, nên họ đọc, học Kinh Thánh, Giáo Lý là để phục vụ cho nghề nghiệp hay vì miếng cơm manh áo chứ không đọc trong tâm tình yêu mến, lắng nghe và thực hành để được sự sống đời đời.

Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu hoan hỷ dâng lời tạ ơn Chúa Cha, Ngài nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ”. 

Như vậy, đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của tri thức, địa vị.... Vì thế, đức tin không sinh hoa kết quả do lòng kiêu ngạo trong sự ích kỷ, nhưng sẽ đơm bông, kết trái khi gặp được thửa đất tâm hồn đơn sơ, chân thành do lòng yêu mến.

Điều này, chúng ta thấy rất rõ thời Đức Giêsu nơi những người Pharisêu, Luật Sĩ…. Họ tưởng mình nắm bắt được mọi sự, nhưng kỳ thực họ phỏng chiếu sự hiểu biết của họ theo nghĩa thuần tục, vì thế, những chân lý, mầu nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa thì họ chẳng hiểu biết gì, ngay kể cả Đấng Cứu Thế họ cũng không biết, thì làm sao hiểu được đường lối của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu!

Muốn hiểu được thánh ý Thiên Chúa, hẳn mỗi người chúng ta, trước mặt Chúa, cần phải khiêm tốn nhận mình là thụ tạo thấp hèn, nếu không muốn nói là kẻ dốt nát, khờ khạo...!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ, khiêm tốn, đơn sơ, chân thành trước mặt Chúa, bởi vì chúng ta thực ra chẳng có gì đáng để tự hào, huyênh hoang cả. Chúng ta có là gì đi chăng nữa thì cũng là do tình thương của Thiên Chúa ban chứ không do công trạng của mình. Bởi vậy, thay vì kiêu ngạo, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã làm cho chúng ta những điều cao trọng, mặc dù chúng ta không xứng đáng.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng, tạ ơn Chúa vì những ân ban cao cả mà Ngài đã ban cho chúng con là những kẻ bé mọn. Amen.

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển

Thứ hai ngày ( 04.12.2017)



Lời Chúa Hôm Nay
Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng Năm B
BÀI ĐỌC I:  Is 2, 1-5
Trích sách Tiên tri Isaia.
Điềm Isaia, con trai Amos, đã thấy về Giuđa và Giêrusalem. Điềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó. Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người"; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc:  Is 4, 2-6
"Những kẻ được giải phóng sẽ nhảy mừng".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, dòng dõi Chúa sẽ trở nên huy hoàng vinh quang, hoa màu trên đất sẽ dồi dào, và số người trong dân Isarel được giải phóng sẽ nhảy mừng. Những ai còn sót lại ở Sion và còn sống sót ở Giêrusalem sẽ được gọi là thánh, tất cả những ai sẽ được ghi tên để sống trọn đời ở Giêrusalem. Khi Chúa đã dùng thần trí thẩm xét và thiêu đốt mà tẩy bỏ những tồi bại của các thiếu nữ Sion, và đã tẩy rửa Giêrusalem cho sạch những vết máu, thì lúc đó Chúa sẽ đến trên khắp miền núi Sion và những nơi kêu cầu Người, như đám mây ban ngày và như cột khói hoặc như ánh lửa sáng rực ban đêm, vì trên tất cả, vinh quang Thiên Chúa sẽ là một phương du và là một lều vải để che khỏi sức nóng ban ngày, để làm nơi an toàn trú ẩn khỏi giông tố và mưa sa.  Đó là lời Chúa.

PHÚC ÂM:  Mt 8, 5-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Đó là lời Chúa.


Theo truyền thống của quân đội Rôma, “đại đội trưởng” là chức danh dùng để gọi người đứng đầu một trăm người lính. Họ là những viên chức uy quyền tại các nước thuộc địa. 

Thời Chúa Giêsu, nước Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ. Vì thế, Do Thái chỉ là thuộc địa của Rôma. Những đại đội trưởng, do đế quốc Rôma đặt lên nắm quyền hành, góp phần áp đặt sự cai trị hà khắc của đế quốc trên nước thuộc địa này. 

Luật Do Thái vốn khắt khe trong việc giao tế với dân ngoại, thì lại càng khắt khe hơn với những ngoại xâm, những kẻ đang giày xéo lên mảnh đất Chúa chọn. Như vậy, người Do Thái sẽ kỳ thị và không bao giờ có bất cứ sự thân thiện nào với những đại đội trưởng.

Tuy nhiên, một vài trường hợp, những đại đội trưởng xuất hiện trong Thánh Kinh, đều cho thấy họ là những người tốt. Thánh Kinh đã không ít lần khen ngợi họ. Chẳng hạn, lúc Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, một viên đội trưởng đã tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Một viên đội trưởng khác đã cứu thánh Phaolô thoát khỏi hình phạt đánh đòn. Một viên đội trưởng khác nữa đã giúp thánh Phaolô thoát khỏi âm mưu giết hại của người Do Thái, v.v. 

Nổi bật hơn hết là vị đại đội trưởng trong bài Tin Mừng này. Ông vừa là người khiêm nhường trước mặt Chúa, vừa là người từ tâm, lo lắng cho người dưới quyền của mình.

Khiêm nhường: Ông đã làm phiền Chúa chữa lành cho người đầy tớ, nhưng ông đã không dám phiền Chúa hơn nữa: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm”.

Lo lắng cho người dưới quyền: Viên đại đội trưởng có một người nô lệ đang bị đau dữ dội. Bình thường, một người nô lệ chẳng là gì, chẳng có giá trị gì đối với một người làm quan như ông. Ông có thể sử dụng họ như một món đồ vật. khi đồ vật bị hư, ông có thể quăng đi, không cần bận tâm. 

Nhưng viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng này thì khác. Ông có lòng yêu thương người dưới quyền mình. Ông xót xa khi thấy đầy tờ đau đớn. Ông đã chạy đến Chúa, van lơn, cầu xin Chúa cứu giúp người đầy tớ của ông.
Với lòng khiêm nhường và sự lo lắng cho người dưới quyền của một đại đội trưởng, Chúa đã nhậm lời ông. Chúa chữa lành cho người đầy tớ của ông vì chính tấm lòng của ông. 

Không những nhậm lời viên đại đội trưởng, Chúa còn khen ngợi ông: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ísrael nào có lòng tin như thế”. 

Mùa Vọng, với ý hướng chờ ngày Chúa đến, mong rằng mỗi chúng ta nhìn vào niềm tin của người đại đội trưởng để làm tiêu chuẩn sống cho mình. Mỗi chúng ta hãy biết khiêm nhu trước Thiên Chúa và biết yêu mến người thân cận như Chúa dạy. Có như thế, chúng ta sẽ được Chúa yêu thương. Người sẽ nhận lời chúng ta cầu xin. Người sẽ ban ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.
Trong lớp Giáo lý Dự tòng, có một bà năm nay đã gần 80 tuổi xin theo học. Bà góa chồng đã 7 năm.  Từ ngày chồng bà chết, nhiều lần bà muốn theo đạo, nhưng vì nhiều lý do khách quan, bà không thực hiện được tâm nguyện của mình.

Đến nay, thuận lợi, bà xin học đạo để được gia nhập Giáo Hội. Trước khi ban Bí tích Rửa Tội cho bà, cha xứ có hỏi: “Bà có ý định theo đạo lâu chưa?”; Bà trả lời: “Khoảng 7 năm”; Cha xứ hỏi tiếp: “Thế bà muốn theo Chúa, nhưng bà có cầu nguyện với Chúa bao giờ không?” Bà nói: “Thưa có”; “Bà cầu nguyện thế nào”; “Thưa Cha, con cầu nguyện rằng: ‘Chúa ơi, xin Chúa về với con đi!’”. Cha xứ tỏ vẻ thán phục niềm tin chân thành và đơn sơ của bà, và ngài đã sẵn lòng Rửa Tội cho bà để bà được gia nhập Giáo Hội.

Câu chuyện của bà cụ rất trùng hợp với một nhân vật cũng khá đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là viên sĩ quan, người dân ngoại. Ông là một người ngoại đạo, tức không thuộc về Dothái giáo, nhưng tâm hồn lại có đạo hơn ai hết bởi sự chân thành, đơn sơ nhưng mãnh liệt nơi ông. Vì thế, ông đã được thúc đẩy từ bên trong, nên ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, trong khi những người Dothái lại không nhận ra!

Khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, ông đã đặt niềm tin tuyệt đối nơi Ngài, vì thế, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi ông: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”. Ơn thánh của Chúa đã thực sự bén rễ sâu trong tâm hồn người dân ngoại này, vì ông khiêm tốn và sẵn sàng mở lòng để cho ơn thánh của Chúa được tác sinh nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mặc khải về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được dành cho hết mọi người. Vì thế, chúng ta không cất giấu hay để ơn Chúa vào nơi an toàn, mà phải vươn ra đến với hết mọi người, mọi nơi, nhất là những anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Cần tránh lối suy nghĩ từ lâu: chỉ những người Công Giáo mới được ơn cứu độ! Những người ngoài Giáo Hội không xứng đáng để đón nhận hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa. Tránh sự kỳ thị, phe phái, tôn giáo, văn hóa xã hội, địa vị, nghề nghiệp..., để nhìn nhận cái hay, cái phải, cái tốt của tha nhân mà noi theo, học hỏi, nếu điều đó phù hợp với đạo lý Tin Mừng. Tránh thái độ hẹp hòi, cục bộ, mặc cảm, yên trí đến bất công, khiến chúng ta đi sai đường lối cứu độ của Thiên Chúa và xa cách tha nhân. 


Bước vào Mùa Vọng, mỗi người chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc sống, cách cư xử của mình với anh chị em xung quanh: đã có lần nào vì hẹp hòi mà ta ngăn cản ơn Chúa đến với người khác không? Hay nhiều khi chúng ta không dám rời bỏ chốn an thân, an cư để đến với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta?

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển

NIỀM TIN CỦA ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG – NIỀM TIN CỦA CHÚNG TA

 

Tin mừng Mt 8: 5-11

Đối với người Kitô hữu, lòng tin chính là chìa khóa khai mở mọi khó khăn, mọi vấn đề trong đời sống thường ngày cũng như đời sống tâm linh. Trở về với dòng lịch sử về lòng tin trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có hai mẫu gương sáng chói về lòng tin: Apraham và Đức Maria.

Apraham được kể như Cha kẻ của những kẻ tin. Suốt cả cuộc đời ông đặt trọn niềm tin vào tình thương và bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Ông sẵn sàng rời bỏ quê hương xứ sở để ra đi đến miền đất Thiên Chúa hứa ban, mà ông không hề biết nó như thế nào  và cũng không đặt câu hỏi tại sao. Ở tuổi 75, ông được Thiên Chúa hứa sẽ ban cho một dòng dõi hùng cường, đông đúc như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển.

Thế nhưng rồi ta thấy mãi đến 99 tuổi vẫn chưa có được một mụn con nối dòng, ngoại trừ It-ma-en con của người đầy tớ Haga, nhưng Thiên Chúa lại không chúc lành trên người con đó. Thế nhưng, lòng tin và sự kiên trì chờ đợi của ông đã được bồi đắp khi ông ở tuổi một 100, Isaac do chính bà Xara vợ ông sinh ra. Lòng tín thác vào tình yêu Thiên Chúa của Apraham đã được đền bù xứng.

Khi chiêm ngắm Đức Trinh Nữ Maria, ta thấy khi Mẹ cất tiếng ‘xin vâng’ thánh ý Thiên Chúa qua lời sứ thần truyền, cũng là thời điểm khai mở cho lòng tin tuyệt đối của Mẹ vào Thiên Chúa quyền năng. Khi đáp tiếng ‘xin vâng’ đồng nghĩa với việc Mẹ chấp nhận mọi khổ đau, hiểu lầm, đố kỵ, khó khăn đến với mình. Thế nhưng, Mẹ tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, nhờ đó vượt lên tất cả mọi khó khăn, khổ cực ngay cả khi đứng dưới chân Thánh giá, Mẹ cũng không có một lời oán trách.

Vào thời Do Thái bị Rôma đô hộ thế mà một sĩ quan cao cấp lại hạ mình đến xin xỏ một dân đen bản xứ với thái độ hết sức khiêm nhường. Đó là “mảnh đất” màu mỡ mà Chúa tìm kiếm để ban ơn Đức tin”. Dân ngoại như Viên đại đội trưởng và cũng như chúng ta thật diễm phúc với hi vọng tràn đầy khi nghe Lời Chúa Phán: “nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời”. Chúa đã tìm đến quê hương Việt Nam và ban ơn Đức tin cho chúng ta.

Niềm tin của chúng ta mạnh chừng nào? viên đội trưởng tin vào sức mạnh của Lời Chúa khởi từ sức mạnh lời ra lệnh uy quyền của ông. Vì vậy,  từ kinh nghiệm sức mạnh lời nói của chính mình, sẽ giúp chúng ta vững tin hơn vào sức mạnh của Lời Chúa. Đặc biệt là trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy tỉnh thức mà dọn dẹp “mảnh đất” tâm hồn để sẵn sàng dự tiệc nước trời.

Ông tin mãnh liệt rằng Đức Giê-su có hảo tâm và có quyền lực chữa lành người đầy tớ ông. Đức Giê-su gọi đó là lòng tin, và Ngài đã đáp lại bằng một phép lạ chữa lành. Để phép lạ xảy ra, con người cần lòng tin. Tin Mừng luôn cho thấy rằng đức tin làm ra phép lạ, chứ không ngược lại. Tin ở đây là tin vào con người Đức Giê-su. Tin không hệ tại việc khuất phục quyền lực cách mù quáng, nhưng là nhìn nhận thân phận bất toàn bất túc của mình và tìm kiếm sự viên mãn nơi Đức Giê-su. Tin như thế bao hàm một thái độ dám liều dấn thân trọn con người mình, chứ không duy chỉ là một sự chấp nhận của lý trí đối với một số tín điều trừu tượng nào đó.

Đứa con của ông nhận lệnh đến Do thái và được thăng chức đại đội trưởng. Ngày kia, người nô lệ của anh bị bệnh nặng. Anh tìm gặp một vị có tiếng là thánh thiện và có khả năng chữa bệnh. Người ấy sẵn sàng đến chữa. Nhưng anh lại nói: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh“. Đó chính là những lời mà lúc nãy ông nghe đám đông cứ lặp đi lặp lại, chỉ thay đổi từ “thằng nhỏ” cho phù hợp mà thôi. Và đó cũng là những lời chúng ta nghe trong Lời Chúa hôm nay.

Lời Chúa Giêsu có sức mạnh vô cùng kì diệu. Lời Ngài chế ngự thiên nhiên. Lời Chữa lành thể xác: Ngài chỉ phán một lời thì người đầy tớ của viên đại đội trưởng lành bệnh, người mù được sáng, kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, người câm nói được v.v… Lời chữa lành tinh thần: Ngài nâng đỡ người vác gánh nặng nề, xoa dịu người thất vọng, an ủi người ưu phiền, tha thứ cho người tội lỗi v.v… Lời mang lại sự sống: Ngài phục hồi sự sống cho con trai bà góa thành naim, con gái của ông trưởng hội đường và anh Lazarô ở Bêtania – xác đã thối rữa trong mồ bốn ngày. Thật kì diệu! Còn kì diệu hơn nữa, Lời Chúa Giê-su mang lại sự sống trường sinh cho chúng ta, như lời tuyên xưng đầy xác tín của Thánh Phêrô:“Thưa Thầy, bỏ thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”(Ga 6, 68).

Với lí trí mà ta có và qua kinh nghiệm về sức ảnh hưởng ghê gớm của lời nói trong cuộc sống, mong rằng chúng ta vững tin hơn vào Lời quyền năng Chúa, Lời có quyền năng trên thiên nhên, bệnh tật xác hồn và mang lại sự sống đời này cũng như đời sau. Nhất là, Bước vào đầu Mùa Vọng, chúng ta hãy sống Đức Tin sao cho có thể đứng thẳng và ngẩng đầu hiên ngang lãnh ơn cứu độ như Lời Chúa đã hứa khi Ngài đến phán xét chúng ta.

Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, ta vẫn thường thưa với Chúa “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Lời ấy thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào lời quyền năng của Thiên Chúa. Niềm tin vững chắc và hợp lí ấy được viên sĩ quan rút ra từ kinh nghiệm lời nói thực tế: “Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!”.

Từ thực tế lời mệnh lệnh đầy quyền uy ấy, bằng lí trí của mình, ông tin tưởng mạnh mẽ vào Lời có uy quyền siêu vượt của Chúa Giê su: “xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh“. Ông đã làm cho Chúa Giê-su ngạc nhiên: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”. Ngài ngạc nhiên vì Thời ấy, chế độ chiếm hữu nô lệ đang thịnh, thế mà một có một người chủ tốt lành đã lo lắng tìm thầy chạy thuốc cho nô lệ của mình.

Khám phá lại về lòng tin của viên sĩ quan Rô-ma. Ông đã không đọc Kinh Tin Kính trước mặt Đức Giêsu (lúc đó chưa hề có kinh này!) Ông kinh nghiệm về một khát vọng không tự mình giải quyết được. Ông hết mực khiêm tốn. Ông dũng cảm dấn thân (ở vị thế của ông mà đến với Đức Giêsu để van xin như thế là phải vượt qua cả một bức tường dư luận đó!) Và thật thú vị, lòng tin của ông đã có thể đem lại sự chữa lành cho một người khác!

Giáo Hội nhắn nhủ các tín hữu chờ chờ đợi Chúa đến trong niềm tin tưởng và phó tác.

Lời Chúa mời gọi ta duyệt lại lòng tin của mình vào Thiên Chúa: Tôi đã tin tưởng và phó thác cuộc đời cho Chúa chưa? Đứng trước những thất bại, khó khăn, bệnh tật, tôi đến với Người bằng thái độ nào? Quả thật, con người chỉ có thể vượt qua được tất cả, khi biết đặt niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa. Điều này được Đức Giêsu khẳng định, khi nói rằng: “Nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả. Mà hơn nữa, anh em có bảo núi này ‘dời chỗ đi, nhào xuống biển thì sự việc sẽ xảy ra như thế. Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21, 21-22).


Huệ Minh