Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Nghi thức rửa tội người lớn




Nghi thức rửa tội người lớn - - Nhớ ghi tên thánh.

I. Nghi thức Tiếp nhận

Chủ Tế: ACE xin gì cùng Hội Thánh Chúa ?

Người dự tòng: Thưa con xin đức tin.

Chủ Tế: Ðức tin sinh ơn ích gì cho ACE ?

Người dự tòng: Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.

Chủ Tế: Sự sống đời đời là ACE nhận biết Thiên Chúa thật và Ðấng Người sai đến là Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết, đã được Thiên Chúa đặt làm nguồn mạch sự sống và Chúa tể mọi loài hữu hình và vô hình. Sự sống ấy ACE hôm nay đã không xin cùng với Bí tích Rửa tội, nếu ACE đã không biết Ðức Kitô và không muốn trở nên môn đệ của Người. Vậy trước đây ACE đã nghe lời Người, đã muốn tuân giữ giới răn Người, đã sống trong tình huynh đệ và cầu nguyện chưa ? Ðể trở thành người Kitô hữu, ACE đã làm tất cả những điều ấy chưa ?

Người dự tòng: Thưa con đã làm.


Chủ Tế: (hướng về người đỡ đầu) Còn ACE nhận đỡ đầu cho thỉnh nhân này, trước mặt Thiên Chúa, ACE xét người này hôm nay có xứng đáng được chấp nhận cho lãnh các Bí tích gia nhập Kitô giáo hay không ?

Người đỡ đầu: Con tin chắc người này xứng đáng.

Chủ Tế: ACE đã làm chứng cho thỉnh nhân này, ACE có sẵn sàng dùng lời nói và gương sáng tiếp tục giúp đỡ người này phụng sự Ðức Kitô không?

Người đỡ đầu: Thưa con sẵn sàng.

Chủ Tế: Lạy Cha nhân từ, chúng con cảm tạ Chúa thay cho tôi tớ Chúa đây đã đi tìm kiếm Chúa và được Chúa kêu mời bằng nhiều cách, hôm nay trước mặt Hội Thánh, người này đã đáp lại tiếng Chúa gọi. Vậy giờ đây, xin Chúa đoái thương ban cho người này được hân hoan thấy Chúa hoàn tất ý định yêu thương của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Mọi người: Amen.

Chủ Tế: Xin mời ACE tiến vào thánh đường, để cùng với chúng tôi tham dự bàn tiệc Lời Chúa.

II. Phụng Vụ Lời Chúa

Bài trích sách tiên tri Isaia (Is 44,1-3)

Hỡi Giacóp tôi tớ của Ta, và hỡi Israel dân tộc Ta đã tuyển chọn, giờ đây hãy nghe Ta. Ðây Chúa là Ðấng tạo dựng và tác thành ngươi từ trong lòng mẹ, là Ðấng phù trợ người phán rằng:"Hỡi Giacóp tôi tớ ta mà ta đã tuyển chọn cách chính đáng, ngươi đừng sợ hãi, vì Ta sẽ đổ nước xuống trên kẻ khao khát và sẽ khiến suối nước chảy trên đất khô khan; Ta sẽ tuôn đổ Thần Khí Ta trên dòng dõi ngươi và sẽ ban phúc lành của Ta trên con cháu ngươi". - Ðó là Lời Chúa.

Mọi người: Tạ ơn Chúa.

Hoặc đọc: Bài trích thư Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Galata (Gl 4, 26-28)

Anh chị em thân mến, tất cả anh chị em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng tất cả anh chị em đã chịu phép Rửa tội trong Ðức Kitô, là anh chị em mặc lấy Ngài. Nay không còn phân biệt người Do Thái và Hy Lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ, vì tất cả anh chị em là một trong Ðức Giêsu. - Ðó là Lời Chúa.

Mọi người: Tạ ơn Chúa.

Phúc Âm

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 28, 18-20).

Đáp: Lạy Chúa, vinh danh Chúa!

Khi ấy Chúa Giêsu tiến lại nói với các môn đệ rằng:"Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".- Ðó là lời Chúa.

Mọi người: Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

(Giảng vắn tắt)

III. Nghi lễ cầu xin và thống hối (CĐ đứng)

Chủ Tế: Chúng ta hãy cầu nguyện cho người anh (chị) em yêu quí đang xin lãnh nhận các Bí tích của Chúa Kitô, và cũng cầu cho tất cả chúng ta là những người tội lỗi, để khi tiến đến gần Chúa Kitô với tâm hồn tin tưởng và thống hối, chúng ta được luôn luôn tiến bước trong đời sống mới.

Xướng 1: Chúng ta hãy cầu xin Chúa đoái thương khơi lại và đốt lên trong tất cả chúng ta tâm tình thống hối chân thật.

Ðáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Xướng 2: Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tôi tớ Chúa đây được Chúa Thánh Thần thanh tẩy, và nhờ người dẫn dắt, được hướng tới sự thánh thiện vẹn toàn.

Ðáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Xướng 3: Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tôi tớ Chúa đây nhờ Bí Tích Rửa Tội, được mai táng với Chúa Kitô, được chết cho tội lỗi và luôn luôn sống cho Thiên Chúa.

Ðáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Xướng 4: Chúng ta hãy cầu xin cho toàn thể thế giới, sau khi đã được Chúa Cha trao phó Con yêu quí của Người làm Ðấng Cứu Chuộc, biết tin tưởng vào tình yêu của Người và biết trở về với tình yêu ấy.

Ðáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con. (CĐ ngồi).

IV. Lời nguyện trừ tà và Xức dầu Dự tòng

Chủ Tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã sai Con Một Chúa đến giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi và cho sống trong tự do của con cái Chúa, chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tôi tớ Chúa đây, khi đã nghiệm thấy những quyến rũ của trần gian và mưu mô ma quỉ cám dỗ, biết nhận mình là kẻ tội lỗi trước mặt Chúa. Nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Con Chúa, xin Chúa cứu người này khỏi quyền lực tối tăm, và xin luôn luôn giữ gìn tôi tớ Chúa trên đường đời. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Mọi người: Amen.

Chủ Tế: Xin Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế ban sức mạnh của Người cho ACE. Ðể chỉ ơn ấy, tôi xức dầu cứu rỗi cho ACE, trong cùng một Ðức Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng hằng sống hằng trị muôn đời.

Mọi người: Amen.

Chủ Tế xức dầu dự tòng O.S. trên ngực hoặc trên hai bàn tay của người dự tòng.

Chủ Tế liền thinh lặng đặt tay trên người dự tòng.

V. Nghi lễ Rửa tội

1. Lời khuyên nhủ của Chủ Tế

Sau đó người dự tòng cùng với người đỡ đầu tiến đến giếng rửa tội hoặc cung thánh.

Chủ Tế: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa Cha toàn năng thương đến tôi tớ Chúa đây đang xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chính Người đã kêu gọi và dẫn đưa tới giờ này, thì xin Người ban cho ánh sáng và sức mạnh, để ACE nhiệt tâm gắn bó với Chúa Kitô và tuyên xưng đức tin của Hội Thánh. Cũng xin Chúa Thánh Thần đến đổi mới ACE. Chúa Thánh Thần là Ðấng mà chúng ta sẽ thành khẩn nài xin xuống trên nước này.

2. Thánh hoá nước

Chủ Tế: (chạm tay vào nước) Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ Con Chúa, xuống trên nước này, để khi mọi người nhờ Bí tích Rửa tội, đã được an táng cùng Chúa Kitô hầu chết cho tội, thì cũng được phục sinh với Người trong sự sống. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

3. Từ bỏ tà thần (mời CĐ đứng)

Chủ Tế: Ðể sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, ACE có từ bỏ tội lỗi không ?

Mọi người: Thưa từ bỏ.

Chủ Tế: Ðể khỏi làm nô lệ tội lỗi, ACE có từ bỏ những quyến rũ bất chính không ?

Mọi người: Thưa từ bỏ.

Chủ Tế: ACE có từ bỏ ma quỉ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không ?

Mọi người: Thưa từ bỏ.

4. Tuyên xưng đức tin

Chủ Tế: ACE có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất không ?

Mọi người: Thưa tin.

Chủ Tế: ACE có tin kính Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Ðức Chúa Cha không ?

Mọi người: Thưa tin.

Chủ Tế: ACE có tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác loài người sống lại và sự sống vĩnh cửu không ?

Mọi người: Thưa tin. (Mời CĐ ngồi)

5. Nghi thức Rửa tội

(Người dự tòng nghiêng đầu phía bên trái. Người đỡ đầu đặt tay phải trên vai người dự tòng).

Chủ Tế: T... Tôi (Cha) rửa ông (bà, anh, chị, em, con), nhân danh Cha (đổ nước lần thứ nhất) và Con (đổ nước lần thứ hai) và Thánh Thần (đổ nước lần thứ ba). – Không đáp: Amen.

VI. Nghi lễ diễn ý

1. Xức dầu sau Rửa tội (Nếu có ban Bí tích Thêm Sức liền sau đây, thì bỏ phần Xức dầu này).

Chủ Tế: Thiên Chúa toàn năng là Cha Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, đã tái sinh ACE bởi nước và Chúa Thánh Thần, và đã giải thoát ACE khỏi tội lỗi. Chính Người xức dầu cứu độ cho ACE để sau khi nhập đoàn với dân Người ACE mãi mãi làm chi thể của Ðức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế cho đến cõi sống muôn đời.

Người tân tòng thưa: Amen.

Sau đó, Chủ Tế thinh lặng xức dầu thánh S.C. trên đỉnh đầu người tân tòng.

2. Mặc áo trắng

Chủ Tế: T..., ACE đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy ACE hãy nhận lấy chiếc áo trắng này, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền, cho đến khi ra trước toà Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để ACE được sống muôn đời.

Người tân tòng thưa: Amen. (Người đỡ đầu thắt dây áo cho người tân tòng).

3. Trao nến sáng

Chủ Tế: Người đỡ đầu hãy tiến lên cầm nến thắp từ nến phục sinh và trao lại cho người tân tòng.

Chủ Tế: ACE đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô, ACE hãy luôn sống như con cái sự sáng, để được bền vững trong đức tin. Khi Chúa Kitô đến, ACE xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các Thánh trên trời.

Người đã được rửa tội thưa: Amen.

VII. Cử hành Bí Ttch Thêm sức

Chủ Tế: T..., ACE đã được tái sinh trong Chúa Kitô được trở nên chi thể và thành phần dân tư tế của Người, giờ đây ACE còn lãnh nhận Chúa Thánh Thần đã ngự xuống tràn đầy trên chúng tôi. Chúa đã ban Thánh Thần cho các Tông Ðồ ngày lễ Ngũ Tuần, chính các Tông Ðồ và các Ðấng kế vị lại ban cho những người đã được rửa tội.

Vậy ACE cũng lãnh nhận sức mạnh Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa đã hứa ban, để nhờ đó một khi trở nên giống Chúa Kitô hơn, ACE làm chứng về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa và trở thành chi thể hoạt động của Hội Thánh, hầu xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô trong đức tin và đức mến.

Rồi Chủ Tế đứng chắp tay quay về phía giáo dân nói tiếp:

Chủ Tế: Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa Cha toàn năng đoái thương ban tràn đầy Chúa Thánh Thần xuống trên người tân tòng đây, để Chúa Thánh Thần dùng ân huệ dồi dào của Người làm cho người tân tòng này nên vững mạnh, và xức dầu để người này nên giống Chúa Kitô Con Thiên Chúa.

Mọi người lặng thinh cầu nguyện trong giây lát. Ðoạn Chủ Tế đặt hai tay trên thụ nhân và đọc:

Chủ Tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Chúa đã tái sinh tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần, khi giải thoát tôi tớ Chúa khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Ðấng an ủi đến trong người này. Xin ban cho người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho người này ơn kính sợ Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con.

Mọi người: Amen.

Thụ nhân tiến đến trước mặt Chủ Tế. Người đỡ đầu đặt tay phải trên vai thụ nhân. Chủ Tế nhúng đầu ngón cái tay phải vào dầu thánh S.C. rồi ghi hình Thánh Giá trên trán thụ nhân mà nói:

Chủ Tế: T... Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần

Thụ nhân: Amen.

Chủ Tế: Bình an của Chúa ở cùng ACE.

Thụ nhân: Và ở cùng Cha.

Người đã lãnh Bí tích Rửa tội và Thêm sức cùng người đỡ đầu trở về chỗ ngồi, tiếp tục dự lễ.

Rước lễ dưới 2 hình (bánh và rượu) cho người tân tòng, người đỡ đầu và giáo lý viên: nhận bánh thánh trên bàn tay trái, tay phải cầm lấy bánh chấm vào chén thánh, rồi đưa vào miệng nuốt đi. Sau đó về chỗ để cám ơn Chúa (thờ lạy, cảm tạ, xin lỗi, xin ơn và xin dâng).

Kết lễ người tân tòng cùng người đỡ đầu tiến đến toà Đức Mẹ: đọc thầm lời dâng mình cho Đức Mẹ


Xin lưu ý:
Có thể chụp ảnh lưu niệm tại bậc Cung Thánh.
Nhớ nhận lại Sổ Gia Đình Công Giáo.
Sau một tháng, trở lại để được hướng dẫn và xưng tội lần đầu, để rồi từ đó có thói quen xưng tội trước các dịp lễ lớn trong năm.




Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

BÍ TÍCH HỌC

BÍ TÍCH HỌC - Lm. Jos Thân Văn Tường

Chủ nhật - 23/07/2017 18:04
BÍ TÍCH HỌC - Lm. Jos Thân Văn Tường
BÍ TÍCH HỌC - Lm. Jos Thân Văn Tường
BÍ TÍCH HỌC
Lm. Jos. Thân Văn Tường

Nhập đề

Để cứu vớt loài người sau khi phạm tội, Thiên Chúa không để cho họ phải bất lực với sức tự nhiên của họ, nhưng đã can thiệp vào đời sống và lịch sử của họ. Người đã đến với Abraham, Người đã tách một dân riêng khỏi các dân khác, Người đã hướng dẫn dân này “với bàn tay mạnh mẽ và cánh tay vươn ra” (Dt 5,15), Người đã tỏ rõ quyền năng Người bằng những “dấu hiệu” và bằng sự che chở của Người, “rồi sau khi đã phán bảo với tổ phụ nhờ các tiên tri nhiều lần và bằng nhiều cách, thì trong những ngày sau hết, Thiên Chúa đã nói với chúng ta bởi Con mà Người đã đặt làm thừa tự mọi sự và bởi đó, Người đã tạo dựng thế gian” (Hebr 1,1-2). Chúa Kitô tiếp tục và hoàn thành mầu nhiệm cứu chuộc bằng lời rao giảng, việc làm, sự đau đớn và các phép lạ của Người. Lời nói, việc làm, sự đau đớn và phép lạ của Chúa đều là “dấu chỉ” hữu hiệu mà Giáo Hội hằng gợi lên bằng biểu tượng để áp dụng cho ta. Như vậy, đời sống Bí tích của Giáo Hội là những hoạt động gợi lên những “dấu chỉ” về sự sống và sự chết của Chúa Kitô mà người tín hữu hằng nhận được để củng cố đức tin và sự sống siêu nhiên của họ.
Trong những dấu chỉ phong phú và dị biệt gồm cả cuộc đời của Chúa Giêsu, có những dấu chỉ có một vai trò quan hệ đặc biệt do ý muốn và quyết định của Chúa, như phép Rửa tội và phép Mình Thánh là bí tích của sự vượt qua, sự sát nhập vào dân được cứu chuộc... và thâu tóm cả mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại.
Xung quanh những dấu chỉ chính ấy, quy tụ một số những dấu chỉ khác ít quan hệ hơn, đó là các Bí tích và các phụ tích. Tất cả các dấu chỉ ấy làm nên nghi lễ (rites) của Giáo Hội.
Ở thế kỷ XII, các nhà Thần học bắt đầu phân biệt các Bí tích và các phụ tích và ấn định các Bí tích chỉ có bảy. Các Công đồng, nhất là Công đồng Trentô đã chấp nhận quan niệm trên của các nhà Thần học.
Quan niệm ấy giúp ta có những khái niệm rõ ràng về các Bí tích, nhưng cũng có thể làm cho ta quên rằng không phải chỉ có “bảy Bí tích”, mà còn có vô số những “dấu chỉ” khác tuy ít quan hệ hơn, nhưng cũng cần thiết mà Giáo Hội cử hành trong lúc hay ngoài lúc cử hành bảy Bí tích để giải thích và làm cho phong phú ý nghĩa của bảy Bí tích, và còn để diễn tả những khía cạnh khác của đời sống và sự chết của Chúa Giêsu nữa.
Ngay bảy Bí tích cũng không quan hệ như nhau và không giống nhau như hai đơn tố của cùng một loại. Chính Công đồng Trentô đã quả quyết: “Nếu ai nói rằng các Bí tích giống nhau đến nỗi không vì lý do gì mà có thể cho rằng một Bí tích quý hơn Bí tích khác, thì bị dứt phép thông công” (Dz 846). Như vậy, các dấu chỉ trong Giáo Hội làm nên một duy nhất và có giá trị không đồng đều. Đó là lý do để đặt vấn đề: Khái niệm về Bí tích ở đầu “BÍ TÍCH HỌC”.
Sau hết, các Bí tích không phải chỉ là những dấu chỉ nhưng còn là máng thông ân sủng. Chúa Giêsu cho ta nhận biết mầu nhiệm cứu chuộc nhờ các Bí tích, và khi ta biết và tin theo, thì Người lại dùng Bí tích để biến đổi ta nên giống như Người. Nói khác đi, Bí tích còn là dụng cụ Chúa Giêsu dùng mà đưa ta về với Cha Người. vì thế, thánh Tôma đã định nghĩa Bí tích là: “Signum efficax gratiae”.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Chút Tâm Tình Gm Bùi Tuần.

Chút Tâm Tình

Mỗi năm, gần đến 30 tháng 4, tôi thường hồi tâm. Hồi tâm này có đặc điểm riêng. Bởi vì 30 tháng 4 năm 1975 là ngày lịch sử Đất Nước sang trang. Cũng chính ngày đó, tôi được thụ phong Giám mục, nhận trọng trách làm giám mục phó giáo phận Long Xuyên.
Năm nay, tôi cũng hồi tâm. Cái chết đột ngột của Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc khiến tôi nghĩ biết đâu hồi tâm của tôi lần này sẽ là lần cuối.
Dù sao, hồi tâm lần này, tôi cũng xin chia sẻ trước mọi người thân yêu đôi chút tâm tình thân mật của tôi.
Tâm tình thứ nhất là tôi coi trách vụ đứng đầu giáo phận là một chén đắng làm tôi rất sợ.
Hồi đó, tôi biết Đức Cha Micae sẽ trao hết cho tôi. Thế mà tôi thì quá yếu về mọi phương diện. Tôi sợ lắm.
Ở chức vụ đó, tôi phải hiệp thông mật thiết với Chúa Giêsu, nhất là trong cuộc thương khó của Người và trong giới luật yêu thương, mà Người đã trối lại. Trọng trách thì quá lớn, còn tôi thì quá yếu đuối hèn mọn, tội lỗi. Tôi quá sợ.
Ở chức vụ đó, tôi phải hiệp nhất trọn vẹn với Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng muốn tôi làm gì, trong một giai đoạn Đất Nước tôi rất cần hòa giải một cách khôn ngoan? Trọng trách thì quá lớn, còn tôi thì quá nhỏ bé, xa xôi, vụng về. Tôi rất sợ.
Ở chức vụ đó, tôi phải sống liên đới chân thành với Quê Hương, với đồng bào. Tôi sẽ làm gì, khi thấy nhiều đồng bào rơi vào sợ hãi, thất vọng, đau khổ. Tôi sẽ làm gì, khi thấy Đất Nước gặp bao khó khăn trên đường dựng Nước và giữ Nước.
Tôi bùi ngùi thao thức. Thao thức nhiều càng thêm lo sợ. Lo sợ làm tôi coi chức vụ được trao là chén đắng.
Xưa Chúa Giêsu đã có lần nói với Đức Chúa Cha: “Nếu có thể, xin cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng đừng theo ý con, xin chỉ theo ý Cha mà thôi” (Mt 26, 39).
Tôi cũng đã nhiều lần nói với Chúa như vậy.
Từ khi được về hưu, tôi được nhẹ vơi nhiều gánh nặng. Nhưng trách nhiệm yêu thương, trách nhiệm làm chứng cho Chúa vẫn còn đó, đôi khi còn nặng hơn trước. Tuy nặng, mà ngọt ngào, và cũng không khỏi sợ: Tôi có làm đủ, làm đúng không? Càng sợ, tôi càng kêu cầu Chúa.
Tâm tình thứ hai là tôi đã được đỡ nâng rất nhiềunên được sức mạnh để sống ơn gọi.
Chúa nhân từ đã đỡ nâng tôi bằng nhiều cách. Lúc thì Chúa trực tiếp an ủi tôi trong tâm hồn. Lúc thì Chúa gián tiếp an ủi tôi qua những con người có tấm lòng, có trái tim. Đặc biệt Chúa đỡ nâng tôi qua cộng đoàn giáo phận.
Tôi coi mỗi người nâng đỡ tôi như một lá thư Chúa gửi cho tôi. Trong từng lá thư đó, tôi đọc được tình thương, sự bao dung, sự tha thứ, sự bén nhạy, sự tế nhị, sự khiêm nhường.
Cách riêng, tôi được đỡ nâng nơi Đức Mẹ Maria. Mẹ đỡ nâng tôi bằng cách dẫn tôi đến với Chúa Giêsu đang gần gũi những người khổ đau, tội lỗi, yếu đuối, hèn mọn. Gặp Chúa Giêsu nơi họ, tôi được Mẹ mở lòng tôi ra, để tôi thấy “Chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh”.
Được đỡ nâng, đó là bài học dạy tôi hãy nâng đỡ những người khác. Có lửa yêu thương thực sự trong lòng, thì dù chỉ với một lời nói đơn sơ, một việc làm nhỏ, cũng có sức gửi đến người đau khổ một đỡ nâng cần thiết có sức cứu họ.
Ở đây, tôi xin gửi lời cảm ơn nồng nhiệt tới mọi người đã đỡ nâng tôi hoặc cách này hoặc cách khác. Họ thuộc mọi tầng lớp, trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Họ ở gần và họ ở xa. Xin cảm tạ Chúa đã gửi đến tôi những người tốt đó.
Tâm tình thứ ba là cậy tin ở lòng thương xót Chúa.
Suốt 43 năm qua, đối với tôi, chức giám mục luôn là một tiếng Chúa gọi “Hãy cậy tin vào tình yêu thương xót Chúa
Gánh nặng của tôi là chức vụ. Gánh nặng của tôi là sự yếu đuối của chính tôi. Tôi thường sợ hãi. Sợ hãi là điểm yếu của tôi mà quỉ Satan thường tấn công dữ dội.
Chúa thương giúp tôi đối phó, bằng cách luôn kéo tôi gắn bó chặt chẽ với tình yêu thương xót Chúa. Tôi cậy tin ở lòng thương xót Chúa một cách tuyệt đối, một cách đơn sơ, một cách bền bỉ, một cách thường xuyên, từng giờ, từng phút, tầng giây. Thành ra chính sự sợ hãi của tôi lại là cơ hội tốt, để tôi ký thác mình cho Chúa. Đúng như lời Thánh Phaolô nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 12). Tôi được tha thứ, được sửa lại và được ơn trở về với Chúa. Tôi cảm nhận thấm thía Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế rất nhân lành.
Hằng ngày, tôi tạ ơn Chúa một cách đặc biệt vì ơn được tin cậy ở tình yêu thương xót Chúa.
Đối với tôi, bất cứ ai tin vào tình yêu thương xót Chúa đều được Chúa nhận là đã bắt đầu thuộc về Chúa. Vì thế, giờ đây tôi rất vui, vì nhận thấy tại Việt Nam hôm nay, ngay tại địa phương này, số người tin vào tình yêu thương xót Chúa là rất đông.
Với những tâm tình trên đây, chúng ta hãy khiêm nhường tạ ơn Chúa và đểmình chìm sâu vào tình yêu thương xót Chúa. Trong tình yêu thương xót Chúa, chúng ta sẽ đi về tương lai. Cho dù tương lai sẽ có những chén đắng mới, nhưng có Chúa, chúng ta vẫn có quyền lạc quan.
Long Xuyên, ngày 05.4.2018
+ Gm. Gioan B Bùi Tuần