Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

ĐỔI LẤY NƯỚC TRỜI ĐỜI SAU

TỪ BỎ CỦA CẢI ĐỜI NÀY ĐỔI LẤY NƯỚC TRỜI ĐỜI SAU

HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN A
1 V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52
HỌC LỜI CHÚA
  1. TIN MỪNG: Mt 13, 44-52
(44) “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại giống như một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. (47) Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. (50) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (51) Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ? “Họ đáp: Thưa hiểu”. (52) Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
  1. Ý CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục dùng ba dụ ngôn là Kho Báu, Ngọc Quý và Lưới Cá, nhằm trình bày những khía cạnh khác nhau của Nước Trời mà Người sắp thiết lập: Nước Trời có giá trị thiêng liêng giống như một kho báu hay một viên ngọc quý giá, mà người khám phá ra, sẽ sẵn lòng hy sinh mọi thứ mình có ở đời này để mua lấy Nước Trời có giá trị vĩnh hằng ấy. Vào ngày tận thế, chỉ những tín hữu sống đức tin cậy mến, giống như giống cá tốt, mới được tiếp nhận, còn những kẻ bất tín gian ác, giống như cá xấu, sẽ bị loại khỏi Nước Trời.
  1. CHÚ THÍCH:
– C 44: + Nước Trời giống như: Không phải Nước Trời được so sánh với kho tàng châu báu, nhưng giống như thái độ của người khám phá ra giá trị của kho báu. + Kho báu chôn giấu trong ruộng: Dân Do Thái luôn bị các nước lớn chung quanh như Ai Cập, Át-si-ri, Ba-by-lon… xâm lược và cướp bóc tài sản, nên họ thường đào hố chôn giấu vàng bạc châu báu trong ruộng của mình. Về sau, thỉnh thoảng có người đã đào được những kho báu chôn giấu như thế. + Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại: Luật La Mã và Do thái thời bấy giờ cho phép ai tìm thấy tài sản trên đất của mình thì có quyền sở hữu. Ở đây người nông dân này không có quyền sở hữu đất ruộng mà anh đang cày thuê, nên anh ta vội vã chôn vùi lại để tránh bị kẻ khác biết, rồi tìm cách mua thửa ruộng ấy để có thể công khai chiếm hữu kho báu kia. Ở đây kho báu được tình cờ tìm thấy, cho thấy việc khám phá ra Nước Trời là một ơn cho không của Thiên Chúa. + Rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy: Kho báu kia quý giá đến nỗi đã thôi thúc anh đánh đổi mọi cái đang có. Cũng vậy, Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập cũng là một kho báu thiêng liêng, mà khi khám phá ra, người ta sẵn sàng hy sinh từ bỏ mọi sự để có được Nước Trời ấy.
Tóm lại: Nước Trời đòi người ta phải đáp trả cách trọn vẹn, sẵn sàng hy sinh bản thân (x. Mt 16, 24), tình cảm gia đình (x. Mt 10, 37), chấp nhận mất mát cả những bộ phận quý giá trong cơ thể như mắt, tay, chân (x. Mt 18, 8-9), và ngay cả mạng sống của mình nữa (x. Mt 10,39) để có được Nước Trời làm phần gia nghiệp. Dù hy sinh như vậy nhưng người ta vẫn không bị thiệt, mà trái lại sẽ được lợi gấp trăm ở đời này và còn được hưởng hạnh phúc Nước Trời đời sau (x. Mt 19, 28-29).
– C 45-46: + Giống như chuyện một thương gia: Dụ ngôn không nhằm so sánh Nước Trời với viên ngọc đẹp, mà nhấn mạnh tới hành động của người thương gia sau đó. + Đi tìm ngọc đẹp: Thời xưa, ngọc trai là một vật rất được ưa chuộng. Chúng được các thợ lặn mò từ đáy biển Đỏ, vịnh Ba Tư hay Ấn Độ Dương. Các hạt ngọc trai này được kết thành tràng chuỗi đeo nơi cổ. + bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy: Sau nhiều vất vả học hỏi giáo lý và gặp được Chúa, các tín hữu sẽ noi gương các môn đệ xưa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để phục vụ dân Chúa, tận hiến cuộc đời để ngày một nên hòan thiện, hoặc sẵn sàng hy sinh mọi đam mê lạc thú đời này để có Nước Trời làm phần gia nghiệp muôn đời.
– C 47-48: + Giống như chuyện chiếc lưới: Nước Trời không giống như lưới cá, nhưng được so sánh với toàn bộ công việc thả lưới bắt cá. + Thả xuống biển: Lưới đây ám chỉ Hội Thánh, biển là trần gian, ngư phủ thả lưới là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su đến thiết lập Hội Thánh để ban ơn cứu độ cho loài người. + Gồm được đủ thứ cá: Đủ thứ cá tốt và cá xấu. Trong Hội Thánh cũng có cả người tốt lẫn kẻ xấu. + Lưới đầy người ta kéo lên bãi: Đến ngày tận thế, mọi kẻ chết sẽ được Chúa cho sống lại để chịu phán xét chung. + Cá tốt cho vào giỏ: Cá tốt là loại cá mà luật Mô-sê cho phép ăn là “những loài cá có vây và có vẩy” (Đnl 14,9). Ở đây cá tốt ám chỉ người lành. Họ sẽ được thu nhận vào giỏ thiên đàng. + Cá xấu thì vứt ra ngoài: Cá xấu là loại cá mà luật Mô-sê cấm ăn là “những loài không có vây và không có vẩy” (Đnl 14,10). Ở đây cá xấu ám chỉ những kẻ làm tay sai của ma qủy và cố tình làm điều ác.
– C 49-50: + Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa…: Đến ngày tận thế, sẽ không còn cảnh vàng thau lẫn lộn: Kẻ dữ sẽ bị loại bỏ khỏi Nước Trời, và sẽ bị phạt trong hỏa ngục. Ở đó họ sẽ phải khóc lóc đau khổ trong sự nghiến răng hận thù.
– C 51-52: + Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời: Kinh sư là thày dạy về kinh thánh Cựu Ước, nay họ lại được nghe Đức Giê-su giảng về mầu nhiệm Nước Trời của Tân Ước. + Thì cũng giống như chủ nhà kia…: Tất cả những ai nghe và hiểu tường tận về mầu nhiệm Nước Trời, thì sẽ biết sử dụng những điều mới và cũ đã nghe để ứng dụng vào việc rao giảng Tin Mừng. Chính nhờ hiểu biết Luật Mô-sê mà các môn đệ sẽ dễ dàng hiểu biết những lời Đức Giê-su rao giảng và biết được ý nghĩa của những lời tuyên sấm Cựu Ước đã được ứng nghiệm nơi Người.
  1. CÂU HỎI:
1) Ba dụ ngôn về Nước Trời được trình bày trong Tin Mừng hôm nay là gì ?
2) Ý nghĩa của hai dụ ngôn đầu thế nào ?
3) Thái độ của người nông dân khi tìm thấy kho báu chôn giấu trong thửa ruộng đang cày ra sao ? Anh ta làm như vậy nhằm mục đích gì ?
4) Cá tốt cá xấu trong dụ ngôn lưới cá ám chỉ những ai ?
SỐNG LỜI CHÚA
  1. LỜI CHÚA: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44).
  2. CÂU CHUYỆN:
1) MỘT CUỘC XỬ ÁN KHÔN NGOAN CỦA VUA SA-LO-MON :
Có hai người đàn bà tới tìm Sa-lo-mon nhờ giải quyết một chuyện khó xử. Một người trong họ giải thích: “Bà này với tôi sống chung một nhà. Tôi sinh được một con trai, và hai ngày sau bà này cũng sinh được một con trai. Rồi một đêm nọ con bà chết. Nhưng khi tôi đang ngủ bà bồng đứa con chết bỏ xuống bên cạnh tôi và bồng con tôi đi. Khi tôi thức dậy và nhìn đứa con chết thì thấy nó không phải là con tôi.”
Nghe tới đây người đàn bà kia nói: “Không phải vậy! Đứa con sống là con tôi, và đứa chết là con bà ấy!” Người đàn bà thứ nhất đáp: “Không phải vậy! Đứa con chết là con bà, đứa sống là con tôi!” Hai người đàn bà cứ cãi nhau như vậy. Sa-lo-mon sẽ phải xét xử thế nào đây?
Ông bảo đem lại một thanh gươm, và khi người ta đem gươm lại thì ông nói: “Hãy xẻ đứa bé sống này ra làm hai, và giao cho mỗi bà một nửa!”
Người mẹ thật la lên: “Khoan, khoan! Xin đừng giết đứa nhỏ. Hãy giao nó cho bà kia!” Nhưng người đàn bà kia nói: “Đừng giao nó cho bà này hay tôi gì cả; cứ việc xẻ nó ra làm hai đi.”
Cuối cùng Sa-lo-mon nói: “Chớ giết đứa bé! Hãy giao nó cho bà thứ nhất. Bà ấy mới là mẹ thật của nó.” Sa-lo-mon biết được điều này vì người mẹ thật yêu đứa bé đến nỗi sẵn sàng nhường nó lại cho người đàn bà kia miễn là nó được sống.
Khi dân chúng nghe thấy cách Sa-lo-mon phân giải vụ khó xử này, họ rất vui mừng vì có được một vị vua khôn ngoan như thế. (x. 1V 3, 16-28).
Câu chuyện xử kiện trên đây cũng như cách xử sự khôn ngoan của vua Sa-lo-mon được đồn đi rất xa, nên từ mọi dân tộc, thiên hạ kéo tới học hỏi sự khôn ngoan của vua Sa-lo-mon (x. 1V 5,14), trong đó có nữ hoàng Sơ-va (x.1V 10,1-13). Nhưng sự khôn ngoan của vua Sa-lo-mon cũng chỉ được một thời. Cuối đời, ông đã sống thiếu khôn ngoan. Ông theo các bà vợ ngoại giáo, ngã theo các thần dân ngoại, không còn chung thủy với Thiên Chúa như phụ vương Đa-vít nữa (x. 1V 11,1-8).
2) KHÔN NGOAN LÀ CHỌN AI TRONG BA BẠN THÂN?
Người kia có ba người bạn thân. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba là bạn thân bình thường vậy thôi. Ngày kia ông bị bắt cách oan ức ra tòa xét xử về tội lừa đảo. Ông yêu cầu ba người bạn thân đi theo ra tòa để làm chứng biện hộ cho ông. Người bạn thứ nhất liền từ chối, viện cớ bận việc không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng lại trung thành đi vào trong tòa án để làm chứng cho ông ta không những được trắng án khỏi bị phạt tù ,mà còn được bên kia đền bù thiệt hại nữa.
Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời.
3) GƯƠNG TỪ BỎ DANH LỢI TRẦN THẾ CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê :
PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê (1506-1552) là con của gia đình quí tộc nước Tây Ban Nha. Lớn lên được cha mẹ cho sang Pháp du học. Phan-xi-cô có một người bạn thân là I-nha-xi-ô Lôi-ô-la. Một hôm trong khi tham dự thánh lễ, Phan-xi-cô đã nghe được Lời Chúa phán: “Lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn, nào được ích gì?” Câu Kinh thánh này đã ảnh hưởng sâu xa trong suốt thời gian học đại học của Phan-xi-cô. Cũng chính câu lời Chúa ấy đã đánh động tâm hồn khiến anh quyết định từ bỏ mọi danh vọng trần thế đang chờ đón, để chọn theo lý tưởng tu trì phụng sự Chúa Giê-su. Phan-xi-cô đã xin gia nhập vào dòng Tên do I-nha-xi-ô thành lập. Sau đó anh vâng lời bề trên từ giã quê hương sang truyền giáo bên nước Ấn độ xa xôi và đã đưa được hàng vạn người tin theo Chúa. Sau đó, Phan-xi-cô còn có ước vọng đi truyền giáo tại Trung Hoa. Nhưng trên đường đi, ngài đã bị bệnh nặng và chết trên một hòn đảo, mặt luôn hướng về nước Trung Hoa.
4) LỜI NHẮN NHỦ CÁC BẠN TRẺ CỦA MỘT BÁC SĨ TÀI DANH :
Bác sĩ RICHARD TEO KENG SIANG, 40 tuổi. Một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở đảo quốc Sin-ga-pore. Đột nhiên phát hiện mình đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi anh đang ở đỉnh cao tiền tài và danh vọng. Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia sẻ của anh được đưa lên facebook đã gây xúc động rất lớn cho các bạn trẻ và được nhiều lời bình luận đồng ý.
– “Chào tất cả các em. Tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Từ lúc trẻ, tôi là sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay. Hồi nhỏ, tôi lớn lên trong một gia đình sống dưới mức trung bình. Tôi được mọi người dạy rằng: thành công và giàu có đồng nghĩa với hạnh phúc. Với suy nghĩ này, tôi quyết tâm ganh đua học tập ngay từ nhỏ và đã đạt được thành công và có được mọi thứ như lòng mong ước. Nhưng thật trái ngược, chỉ khi sắp chết thì tôi mới nhận biết mình nên sống ra sao. Tôi biết điều này nghe có vẻ phi thực tế, nhưng lại là sự thật mà chính tôi đang trải qua: Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, những thứ mà tôi nghĩ sẽ đem lại hạnh phúc cho mình. Nhưng thực ra chúng đã không mang lại niềm vui, mà nếu được chọn lại, tôi sẽ chọn một lối sống khác tốt đẹp hơn.
– Đây không chỉ là lối sống thực dụng của Richard Teo, mà còn của mọi người chúng ta. Chúng ta đã quá lo toan lao vào cuộc cạnh tranh tìm kiếm tiền tài danh lợi, mà quên đi giá trị cao cả hơn là hạnh phúc vĩnh hằng đời sau. Chúng ta đã đầu tư quá nhiều công sức vào những thứ mau qua chỉ có giá trị tương đối, mà bỏ qua cơ hội tích lũy cho mình một gia tài thiêng liêng có giá trị lâu bền ở đời sau.
SUY NIỆM:
1. SỰ KHÔN NGOAN CỦA VUA SA-LO-MON :
Sa-lo-mon là con vua Đa-vít và được thừa kế ngai vàng của vua cha. Sa-lo-mon nhận biết mình “trẻ người non dạ” và còn nhiều hạn chế trước trọng trách làm vua. Ông được Đức Chúa hứa ban các ơn cần cho chức vụ cai quản dân Chúa. Sa-lo-mon đã không xin của cải giàu có, quyền lực vinh quang hay sống lâu trường thọ. Ông chỉ xin Chúa ban sự khôn ngoan để hướng dẫn dân Chúa đi theo đường lối của Ngài. Điều ông xin đẹp lòng Đức Chúa và ông đã được Chúa ban cho ông trở thành một vị vua tài trí bậc nhất thiên hạ. Danh tiếng về sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới đất nước : Trước ông, không ai được như ông và sau ông cũng không ai được bằng ông.
2) Ý NGHĨA HAI DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI LÀ KHO BÁU VÀ VIÊN NGỌC QUÝ:  
Đức Giê-su đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời và mời gọi mọi người gia nhập để được ơn cứu độ. Người đòi người ta phải khôn ngoan chọn lựa Nước Trời qua hai dụ ngôn là Kho Báu và viên Ngọc Quý như sau :
– Một nông dân nghèo phải đi cày thuê để kiếm sống. Một hôm ông ta tình cờ phát hiện ra một cái chum trong có chứa nhiều vàng bạc quý báu, được ai đó đem chôn giấu trong ruộng mà anh đang cày thuê. Một nhà buôn nọ tình cờ gặp thấy một viên ngọc quý được bán với giá hời. Phản ứng của hai người giống nhau là thái độ khôn ngoan : trở về nhà, âm thầm đem bán tất cả nhà cửa ruộng vườn và những gì đang có, lấy tiền mua lấy thửa ruộng có chôn kho báu, mua lấy viên ngọc mà chỉ ông ta mới biết giá trị lớn lao thực sự của nó.
– Kho báu và viên ngọc quý nói chung là những gì có giá trị trước mắt, vì chúng hứa hẹn sự giàu có mà ai cũng mong muốn. Chúng chính là động lực thôi thúc người ta sẵn sàng hy sinh tất cả để lấy làm của riêng mình. Nhưng Lời Chúa hôm nay dạy các tín hữu chúng ta: Kho báu và ngọc quý nói trên dù sao cũng chỉ có giá trị tương đối và không bền vững. Chúng chỉ mang lại cho người ta thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua không bền vững. Cách đây ít lâu báo chí đã đăng tin về một vụ án giết người cướp của bằng súng AK ngay trên đường phố. Hồi 19 giờ tối, một vụ cướp táo bạo đã xảy ra trên đường Huỳnh khương Ninh, Phường Đa Kao, Quận 1. Một ông chủ tiệm chở vàng bằng xe du lịch từ tiệm vàng về nhà, thì bất ngờ bị 2 tên cướp đi xe Su-zu-ki Sì-po áp sát. Chúng dùng súng AK hãm thanh bắn gục cô người làm khi cô vừa mở cửa nhà. Sau đó, trước khi tẩu thoát chúng tiếp tục bắn ông chủ mấy phát và giật phăng chiếc túi xách chứa vàng ông đang ôm, và để lại hiện trường một khẩu súng AK. Theo lời khai của nạn nhân thì trong túi vàng chứa 250 lượng vàng SJC, 20 ngàn đô la và khoảng 20 triệu đồng. Như vậy: giàu có của cải đã không mang lại hạnh phúc cho chủ sở hữu, mà lại trở thành nguyên nhân gây tai họa cho ông ta và người thân nữa.
3) CẦN SẴN SÀNG HY SINH CỦA CẢI ĐỜI NÀY ĐỔI LẤY NƯỚC TRỜI:
Nhiều người coi Nước Trời chỉ là một thứ kho báu thiêng liêng không thực tế, nên đã không muốn từ bỏ của cải mình đang có. Nhưng đối với các tín hữu chúng ta: Nước Trời thực sự là một kho báu. Chỉ khi nào xác tín như thế, chúng ta mới dám hy sinh từ bỏ của cải chỉ có giá trị tương đối, để đổi lấy kho báu trên trời giá trị vĩnh hằng (x. Mt 6,10-20). Tin Mừng Mác-cô cũng thuật lại câu chuyện về một chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành đến gặp Đức Giê-su hỏi xem mình phải làm gì để nên trọn lành. Anh cho biết đã tuân giữ các giới răn ngay từ khi còn bé. Nhưng khi Đức Giê-su yêu cầu anh về nhà bán của cải đem phân phát cho người nghèo để đổi lấy kho báu thiêng liêng trên trời, rồi theo làm môn đệ của Người, thì anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh không thể từ bỏ của cải vật chất đang chiếm hữu (x Mc 10,17-22).
Thánh Phao lô dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư. Trái lại, chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9,25). Vàng bạc châu báu khi ta chết sẽ về tay kẻ khác. Phần thưởng huy chương vàng sau khi vận động viên chết đi sẽ chỉ còn là một vật lưu niệm. Trái lại, nếu người tín hữu biết từ bỏ của cải vật chất để mua lấy Nước Trời bằng sự thực hành bác ái từ thiện, thì sau khi chết, họ sẽ chiếm hữu được Nước trời là của cải quý giá và có giá trị muôn đời.
4) PHẢI KHÔN NGOAN CHỌN LỰA NHỮNG GÌ TRONG CUỘC SỐNG ?
– Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta phải khôn ngoan chọn lựa : Chọn lựa của cải trần gian mau qua hay chọn Nước Trời vĩnh cửu. Chọn với thái độ dứt khoát không nửa vời, vì “thà mất một mắt, một tay, một chân mà được vào Nước Trời, hơn là còn nguyên vẹn mà phải sa hỏa ngục”. Chọn với sự đánh đổi : Chấp nhận đánh dổi những gì đang có để mua lấy hạnh phúc Nước Trời  ?
– Để có Nước Trời là hạnh phúc đời đời, các tín hữu chúng ta phải khôn ngoan cầu xin Chúa như vua Sa-lô-môn: Ông không cầu xin Chúa ban giầu có hay khả năng đánh bại quân thù, mà chỉ xin Chúa ban sự khôn ngoan để luôn chọn theo ý Chúa muốn, phân biệt thiện ác, làm theo lẽ phải.
– Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ mọi sự để đạt được Nước Trời cần phải có ơn Chúa trợ giúp. Thực vậy: Làm sao chúng ta dễ dàng bán hết những gì một đời vất vả mới có được ? Làm sao chúng ta có thể từ bỏ một mối tình vụng trộm đầy sức cuốn hút ? Làm sao từ bỏ được một thói quen mang lại sự thỏa mãn xác thịt ? Làm sao chúng ta có thể bỏ lỡ một cơ hội giúp kiếm được nhiều tiền… để chu toàn bổn phận đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa Nhật ? Làm sao chúng ta có thể bố thí cho một bệnh nhân nghèo một ít tiền chữa bệnh, dù chúng ta có thể dễ dàng chi gấp nhiều lần cho một chai rượu ngoại để ăn nhậu với bạn bè ? Làm sao chúng ta có thể xin lỗi người dưới khi biết mình sai ? Làm sao chúng ta có thể không đi chơi với chúng bạn để đi theo học giáo lý ?… Để có thể chọn lựa lối hành xử đúng đắn, chúng ta cần năng nghe Lời Chúa dạy và suy niệm để tìm ra ý Chúa muốn và xin ơn Thánh Thần soi dẫn, giúp chúng ta vâng phục ý Chúa.
– TÓM LẠI, nếu vì hạnh phúc Nước Trời mà mình có thể bị nghèo đi, bị mất công ăn việc làm, hay có thể mất cả địa vị xã hội… thì chúng ta cũng vẫn phải đánh đổi. Vì dù sao tiền tài danh vọng cũng không dành riêng cho mình và cũng không mang lại cho chúng ta hạnh phúc thực sự. Chỉ có hạnh phúc Nước Trời mới có giá trị lâu dài và mang lại hạnh phúc thực sự cho chúng ta, như ông Gia-kêu sau khi gặp Chúa đã vui lòng chia phân nửa gia sản bố thí cho người nghèo, và sẵn sàng đền gấp bốn lần những thiệt hại đã gây ra cho người khác.
  1. THẢO LUẬN:
Đức Giê-su đòi các môn đệ từ bỏ mọi sự mà đi theo Người. Còn các tín hữu hôm nay cần từ bỏ những gì để trở thành tông đồ giáo dân mở mang Nước Chúa ?
  1. NGUYỆN CẦU:
LẠY Chúa GIÊ-SU. Chúng con thường bị giàu sang, danh vọng, sắc dục lôi cuốn trói buộc. Chúng không cho chúng con nâng tâm hồn lên cao để gặp Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ và đạt được hạnh phúc đời đời. Xin giải thoát chúng con khỏi những ham mê của cải vật chất trần gian, nhưng cho chúng con biết tìm kiếm kho báu thiêng liêng trên trời. Xin cho chúng con luôn cởi mở thân thiện với tha nhân, sẵn sàng quên mình để phục vụ lợi ích cho tha nhân cách vô vụ lợi. Nhờ đó, chúng con chắc chắn sẽ có được kho báu thiêng liêng là hạnh phúc Nước Trời đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

7 MỐI TỘI ĐẦU.


Là người Công giáo, không ai lại không biết “bảy mối tội đầu”. Chúng ta có 7 “biệt dược” để “chữa trị” các “mầm bệnh” nguy hiểm này:


Khiêm nhường chớ kiêu ngạo, rộng rãi chớ hà tiện, giữ mình sạch sẽ chớ mê dâm dục, hay nhịn chớ hờn giận, kiêng bớt chớ mê ăn uống, yêu người chớ ghen ghét, siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ làm biếng.

Con số 7 luôn có vẻ là con số có gì đó đặc biệt, như Kinh Thánh cho biết rằng chính Chúa Giêsu đã trừ bảy quỷ khỏi cô Ma-ri-a Mác-đa-la (Mc 16:9; Lc 8:2).

Tương tự tôn giáo, hơn 1.400 năm trước, người ta cũng nhận thấy có 7 tên “đầu sỏ” nguy hiểm đã được liệt kê. Đó là: Phẫn Nộ, Tham Lam, Đố Kỵ, Lười Biếng, Kiêu Ngạo, Mê Ăn Uống, và Ham Muốn.

Chúng ta cùng tìm hiểu 7 câu chuyện thật này…

PHẪN NỘHằng ngày, Donna Alexander theo dõi các khách hàng vào “Phòng Tức Giận” (Anger Room) do cô lập ra ở Dallas (Hoa Kỳ), đập phá mọi thứ từ ti-vi tới hình nộm, rồi vui vẻ đi ra với vẻ hài lòng. Mỗi người hào phóng trả cho cô tới 75 USD nếu được ưu tiên “xả giận” trước. Họ cứ việc thoải mái “giận cá chém thớt”.

Cô giải thích: “Khi tôi lớn lên, tôi thấy có nhiều cuộc ẩu đả. Thế nên tôi nghĩ rằng nếu có một nơi để người ta xả giận thì thế giới sẽ tốt hơn”.

Người ta có “liệu pháp phá hoại” (destructotherapy). Đó là một dạng xử lý cơn giận, còn nhiều tranh luận giữa các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy bị thu hút với cách này. Tại Tây Ban Nha, người ta đã tổ chức các sự kiện ngoài trời để dân chúng đập phá xe hơi, các thiết bị, và máy vi tính bằng những chiếc búa tạ. Tại Berlin (Đức quốc), hai họa sĩ đã thiết kế máy bán hàng tự động gọi là “Anger Release Machine” (Máy Xả Giận), nó tự động đập vỡ bộ chén dĩa với giá 1 USD hoặc bộ ly thủy tinh với giá 20 USD.

Ức chế cơn giận lâu có thể gây huyết áp cao, bệnh tim, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, học hành kém. Khi bạn thả lỏng chính mình, bạn sẽ làm “xì” hơi-cảm-xúc từ chiếc-nồi-áp-suất-cuộc-đời. Nếu bạn đã lập gia đình, chỉ xả một chút giận dữ cũng có thể cứu cuộc đời bạn. Tường trình của ĐH Michigan cho thấy rằng các vợ chồng thường xuyên loại bỏ được rắc rối sẽ sống thọ hơn những người cứ “để bụng”.

Sự tức giận mang tính xây dựng cũng có thể ảnh hưởng tích cực. Nghiên cứu cho thấy rằng nó có thể kích thích hoài bão, thúc đẩy sự điều đình, tạo sức kiểm soát, và cẩn trọng hơn, do đó mà những người kiềm chế nỗi tức giận có thể chịu đựng gấp ba lần mà không đập phá đồ đạc. Phụ nữ hãy lưu ý: Việc thể hiện cơn giận về nghề nghiệp chỉ có thể được chấp nhận đối với nam giới. Phụ nữ nổi cơn tam bành có thể quy lỗi cho sự mất cân bằng cảm xúc. Hãy luôn ghi nhớ: “Cẩn tắc vô ưu”.

THAM LAMTham lam là điều thường thấy trong cuộc sống thường nhật. Chiếc “túi ham muốn không đáy” này tích lũy đủ thứ của cải. Nhưng J. Keith Murnighan, giáo sư Trường Quản Lý Kellogg thuộc ĐH Tây Bắc, nói rằng tham lam vẫn có vài điểm tích cực. Ông nói: “Khi nó khuấy động người ta, theo hệ thống tư bản chủ nghĩa, nó có giá trị tích cực. Còn tham lam về kiến thức (ham muốn hiểu biết),… Có gì sai không? Do đó, còn tùy thuộc vào dạng tham lam mà bạn muốn nói tới”.

Ngay cả lòng tham lam vật chất cũng có thể có hệ quả tích cực. Nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn theo đuổi và đạt được điều bạn muốn, bạn cảm thấy rất vui. Điều này có sức tiềm ẩn không chỉ làm lợi cho riêng bạn, về hạnh phúc và sức khỏe, mà còn có lợi cho những người xung quanh bạn, kể cả gia đình và bạn bè, tùy vào công việc của bạn và xã hội. Cuối cùng, dù bạn có sức khỏe tốt hay không, sự tức giận của người khác vẫn thường được bỏ qua nếu biết vị tha. Murnighan nói rằng Andrew Carnegie (1835-1919) và Warren Buffett (sinh 1930) đều lợi dụng tình hình kinh tế ở thời của họ, khi “họ có thể đạt được nhiều thứ, dù người khác gặp bất lợi”. Nhưng ngày nay Carnegie được nhớ tới nhiều với tư cách người hỗ trợ nghệ thuật, và Buffett được khâm phục vì đã dành 44 tỷ USD để làm từ thiện.

Murnighan nói: “Cảm thấy tham lam là bản chất cơ bản của con người. Đó là tội hay không còn tùy vào những điều chúng ta quy ước”.

ĐỐ KỴHelen Jane Hearn, 37 tuổi, là một người vợ, người mẹ, và người viết blog (helenjane.com), là giám đốc Federated Media Publishing tại San Francisco và làm tư vấn giải trí tại gia. Tuy nhiên, bà công nhận là đã ghen với các phụ nữ khác và để nó thấm vào mình như “độc tố đố kỵ”. Rồi bà đọc cuốn “The Artist’s Way” (Đường Lối Nghệ Sĩ) của Julia Cameron, bà biết cách lập một “bản đồ ghen tương” (jealousy map). Hiện nay, thay vì ghen ghét với người khác, bà vẽ ba cột trên tờ giấy và ghi vào mỗi cột: Ai? Tại sao? và Cái gì? Rồi bà viết tên người mà bà ghen tỵ, lý do ghen tỵ, và điều bà sẽ làm. Hearn giải thích: “Tôi dùng điều đó làm lời mời gọi để hành động. Đó là khí cụ để tôi tự kích thích”.

Bà đã chuyển lòng đố kỵ “ác tính” thành đố kỵ “lành tính”. Mới đây, các nhà nghiên cứu Hà Lan phát hiện rằng lòng đố kỵ “lành tính” thiếu “nọc độc” nên có thể kích thích chúng ta cải thiện. Một loạt nghiên cứu của ĐH Kitô giáo Texas cho thấy rằng khi người ta ghen tức, người ta thực sự tập trung cao độ và hướng tới người mà mình ghen ghét.

LƯỜI BIẾNGBạn có đổ mồ hôi? Tâm lý gia Richard Wiseman, người Anh, đã đo tốc độ bước của khách bộ hành ở khắp thế giới. Từ đầu thập niên 1990, ông thấy nhân loại bước tăng 10%. Nhưng còn chúng ta? Khi bạn dừng lại cân nhắc một số khám phá quan trọng nhất – Newton ngồi dưới cây táo và phát hiện định luật vạn vật hấp dẫn, Archimedes phát hiện nguyên lý thủy tĩnh học khi đang tắm). Và bạn có thể nhận thấy “ăn không, ngồi rồi” là điều tội lỗi.

Hãy xem trường hợp của Chrissie Wellington. Cô đã 4 lần chiến thắng trong giải Ironman World Championship – bao gồm bơi 2,4 dặm, đi xe đạp 112 dặm, và chạy 26,2 dặm. Mỗi năm cô đi hằng ngàn dặm để duy trì thể hình – nhưng chỉ có điều quan trọng: Tập luyện là không làm gì hết. Cô nói: “Tôi thường nghỉ hai ngày mỗi tháng. Ngồi trên ghế là tư thế tôi áp dụng. Đó không là lãng phí thời gian. Cơ thể cần thư giãn để củng cố sự tập luyện lại. Nghỉ ngơi làm tôi khá hơn, nhanh nhẹn hơn, mạnh mẽ hơn, và đàn hồi tốt hơn”.

Thật vậy, thư giãn có thể có lợi cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn là giảm cân. Người ngủ 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ béo phì là 55%. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng việc thiếu ngủ phá vỡ leptin và ghrelin, hai loại hormone này giữ vai trò điều chỉnh sự ngon miệng. Ngủ ngày sẽ gây rối loạn.

Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH California tại Santa Barbara thấy rằng những người để tâm trí “thơ thẩn” 12 phút sẽ khá hơn 41% về óc sáng tạo hơn người không mơ mộng.

Trầm ngâm là một dạng thư giãn. Lợi ích là điều có thật. Theo một cuộc nghiên cứu tại ĐH Washington, những người tham gia được tập suy nghĩ trong 8 tuần đều có thể tập trung lâu hơn và ít lo lắng hơn. Đó là lý do mà Mark Bertolini, giám đốc điều hành trung tâm y tế Aetna, khởi đầu mỗi ngày bằng việc tập yoga và trầm tư. Anh nói: “Đó là chương trình của tôi”.

KIÊU NGẠOJon Katzenbach là nhà tư vấn kinh doanh hơn 45 năm. Nhưng khi ông làm tư vấn cho các công ty, ông không khuyên giảm chi phí hoặc cho các nhân viên ăn khoán theo sản phẩm. Ông tin rằng có một động cơ còn mạnh hơn tiền bạc: Niềm hãnh diện.

Katzenbach giải thích: “Hãy nhìn các nhân viên của các công ty như Southwest Airlines, Apple, hoặc Hải quân Hoa Kỳ. Cảm xúc – chứ không là sự ưng thuận hợp lý – là cái xác định sự phục vụ, sự đổi mới, sự tận tâm của các nhân viên, và rất thành công”.

Bước đầu tiên của ông thường là xác định “động lực thúc đẩy niềm hãnh diện” trong công ty – các nhân viên đam mê công việc và giỏi động viên người khác – và ông dùng điều đó làm kiểu mẫu. Ông cho biết thêm: “Niềm hãnh diện trong công việc là điểm chính để kích thích các nhân viên làm việc ở mức tốt nhất”.

Nghe như kế hoạch của ma quỷ? Hầu như không. Mặc dù niềm kiêu hãnh bị một số người coi là tội lỗi nguy hiểm, điều mà chúng ta nói tới đây là niềm hãnh diện được định hướng tốt, và điều đó có thể xuất hiện trong các cá nhân hoặc các nhóm, dù là tập thể dân tộc hoặc dân sự.

Nghiên cứu cho thấy rằng “niềm hãnh diện được định hướng tốt” tạo ra cảm giác lạc quan và xứng đáng. Đó là động cơ thúc đẩy, có kết quả bền vững và phát triển cá nhân. Nó cũng nuôi dưỡng sự lãnh đạo và sự khâm phục. Thậm chí nó còn thay đổi ngoại hình, thúc đẩy cười và dáng tốt hơn, những điều này cũng ảnh hưởng địa vị xã hội.

Trong nhiều dân tộc thiểu số, niềm hãnh diện dân tộc có liên quan sức khỏe tâm thần, ít lạm dụng chất gây nghiện, giảm bạo lực, giảm nguy cơ bệnh tim. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự xứng đáng và sự tự trọng liên quan niềm hãnh diện – một biệt dược chủng ngừa của cuộc sốn. Đó không chỉ là thành viên của các nhóm dân tộc có thể hưởng lợi. Gay Pride, I Love NY, Made in America, Semper Fi,… là những khẩu hiệu về niềm hãnh diện dân tộc khiến người ta hạnh phúc. Bạn phải cẩn thận đừng xúc phạm những điều như vậy!

MÊ ĂN UỐNG
Có 36% người lớn Mỹ bị béo phì, do đó họ có thể không thấy “sốc” với chuyện mê ăn uống. Nhưng đây là cơ hội mà tội lỗi có thể xen vào. Các khoa học gia tại ĐH Tel Aviv thấy rằng nên thêm một ít đồ tráng miệng vào chế độ ăn uống giảm cân.

Hãy tưởng tượng: Mỗi khi bạn bị cám dỗ ăn uống mà cảm thấy khó cưỡng lại, hãy cố gắng thêm. Bạn sẽ cảm thấy quen dần nhờ ý chí. Đừng đầu hàng!

Chẳng hạn, trước Olympics 2008, Michael Phelps ăn 12.000 calo mỗi ngày, phần nhiều do pizza, món mì, và bánh kẹp. Phelps cố gắng giảm mà vẫn thấy thèm. Hằng ngày, các vận động viên đốt cháy 9.000 calo hoặc hơn trong khi luyện tập, thèm ăn là cách duy nhất để duy trì năng lượng. Cũng vậy, nếu bạn chuẩn bị chạy marathon hoặc vòng đua xe đạp kéo dài 2 tuần, bạn cần hấp thụ calo để đủ sức khỏe mà tranh tài.

Cuộc nghiên cứu năm 2010 của ĐH Missouri-Kansas cho thấy rằng đàn ông dư cần đáng tin cậy hơn, chân thật hơn, hăng hái hơn, và có thể làm khá hơn trong những công việc khó so với những người gầy ốm hơn. Với phụ nữ thì cũng vậy.

HAM MUỐNTrước khi 30 tuổi, Jennifer Armstrong đã có vị hôn phu và chuẩn bị ngày cưới. Lúc đó cô đọc cuốn tiểu thuyết “Lust” (Thèm Khát), và cô thấy mình như đang chia sẻ với tác giả về “đêm thứ Sáu tuyệt vời”. Chỉ vậy thôi, thế là đám cưới của cô bị hủy bỏ. Và cuốn “Lust” đã thay đổi cuộc đời cô.

Cô cho biết: “Tôi trở thành người thích hát karaoke với những người bạn mới. Tôi dành thời gian và hoài bão, rồi tôi cùng một người bạn đã mở website sexyfeminist.com để ủng hộ nữ giới. Tôi đã viết được một cuốn sách. Tôi nhuộm tóc đen. Tôi để dành đủ tiền để mua căn hộ khá hơn ở Brooklyn. Tất cả tự tay tôi làm nên”.

Mặc dù mối quan hệ với tiểu thuyết gia kia không đạt kết quả tốt, cô cảm thấy “hối tiếc” khi hủy bỏ cuộc hôn nhân trước đó. Cô nói: “Kinh nghiệm dạy tôi đủ thứ mà tôi biết về tình yêu và giới tính”.

Kinh nghiệm của Armstrong là tấm gương thực tế đã được nghiên cứu tại ĐH Amsterdam. Bằng cách đưa ra cơ chế trong não đối với việc suy nghĩ có phân tích, sự ham muốn giúp người ta tập trung tốt hơn vào chi tiết hiện tại: “Tôi muốn anh ấy – ngay bây giờ” (bằng cách so sánh, tình yêu làm nảy sinh cách suy nghĩ và sự sáng tạo lâu dài). Như vậy, sự ham muốn mà Armstrong cảm thấy đối với tiểu thuyết gia kia đã giúp cô thấy các “dấu vết” trong mối quan hệ gần đạt tới hôn nhân trước đó của cô.

Quý ông lưu ý: Sự ham muốn cũng làm nản lòng của phụ nữ trong việc đáp lại. Khi các nhà nghiên cứu Hà Lan yêu cầu phụ nữ uống một tách có chứa côn trùng hoặc lau tay bằng khăn giấy cũ, họ cảm thấy hưng phấn và ít ghê tởm hơn những người khác. Khi phụ nữ cảm thấy ham muốn, nam giới đừng cố làm ra vẻ mình hấp dẫn.

Nói chung, sự ham muốn có thể mang tính hủy hoại, nhưng sự ham muốn đối với sự sống lại là đạo đức. Triết gia Simon Blackburn, người Anh, chỉ rõ trong cuốn “Lust” mà ông đã viết: “Cảm xúc là tái xác định sự sống. Đó là điều làm tăng hưng phấn, vui vẻ, và rất ít người trong chúng ta có thể cưỡng lại”.

Trong bảy loại tội ghê gớm, cái gì xác định nó có “ghê gớm” hay không thì đó là vấn đề đơn giản. Vấn đề quan trọng là chúng ta kiểm soát nó hay là nó kiểm soát chúng ta.

TRẦM THIÊN THU



Bảy mối tội đầu tập trung và nuôi dưỡng tất cả các hình thức khác của tội và muôn vàn cách sa chước để cho tội lỗi hoành hành. Chúng là các căn bệnh của tâm hồn. Linh mục Sébastien Antoni kê các triệu chứng và cách chữa trị.
Nghĩ rằng có một danh sách đầy đủ các tội là bất cẩn. Làm sao biết hết tất cả tội? Thay vì gom lại, Giáo hội đề nghị nên nhận diện các khuynh hướng, các xung năng, các cội rễ của mọi hình thức tội, vì nếu không sẽ có nguy cơ chú ý đến hành vi mà không chú ý đến tội nhân trong bối cảnh của nó: con người, lịch sử, tâm lý…
Thánh sử Mátthêu viết danh sách do chính Chúa Giêsu đưa ra: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó là những cái làm cho con người ra ô uế” (Mt 15, 19). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galát đưa ra danh sách của mình: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5, 19-21).
Trong Tổng luận Thần học, Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) trích lời Thánh Gregoria, ngài đưa ra danh sách những gì ngài gọi là tệ nạn. Có 7 tệ nạn biểu tượng cho toàn thể, tóm tắt tất cả những gì dẫn đến tội. Chúng tập trung và nuôi dưỡng tất cả các hình thức khác của tội và muôn vàn cách sa chước để tội lỗi hoành hành. Chúng là các căn bệnh của tâm hồn. Đó là bảy mối tội đầu.
Kiêu ngạo
Triệu chứng: Xác quyết mình tự đủ để có hạnh phúc. Tội này là tội muốn vượt lên Chúa và các người khác. Nó thúc giục người phạm tội “chèn người khác”, tìm cách chiếm đoạt để thành công, không bao giờ đi tìm sự giúp đỡ của người khác. “Tôi trước hết!” là châm ngôn của người kiêu ngạo. Kiêu ngạo là đầu mối của các tội khác.
Chữa trị: Tinh thần hài hước! Cười chính mình, cười các lỗi lầm của mình, cuối các quá độ của mình. Trau dồi lòng khiêm nhường chân thật, nhận thức mình luôn lệ thuộc vào Chúa và vào người khác.
Hà tiện
Triệu chứng: Đánh mất tự do khi chiếm hữu của cải và tiền bạc. Muốn có, và lúc nào cũng muốn có nhiều hơn, cho đến khi không còn biết phải làm gì với nó, và làm bằng mọi giá, bạo lực, phản bội, kể cả ăn cắp. “Luôn luôn thêm!” là châm ngôn của người hà tiện.
Chữa trị: Mở lòng ra với thế giới chung quanh và nhất là với những người nghèo nhất. Chia sẻ, cho đi. Khuyến khích sự tin tưởng vào ngày mai, phó thác mình trong bàn tay Chúa.
Dâm dục
Triệu chứng: Rối loạn trong quan hệ với cơ thể của mình và với người khác. Chỉ có lạc thú cho riêng mình mới quan trọng, trong khi cần phải chia sẻ một tình dục triển nở. Tình dục không phải là chuyện xấu, nó dự vào hành động sáng tạo và tăng trưởng của tình yêu, và đừng lẫn lộn với dâm dục. “Lạc thú của tôi trên hết!” là châm ngôn của người đồi bại về tình dục.
Chữa trị: Khiết tịnh. Có nghĩa là cân nhắc đúng đắn cơ thể mình và cơ thể người khác, nhớ rằng lạc thú của cơ thể không có ý nghĩa nếu nó không liên kết với quả tim.
Giận dữ
Triệu chứng: Tật xấu phá hủy mọi ngăn chặn để làm tổn thương người khác, không tự chủ, không kiềm chế bản thân. Đôi khi nó trào ra bằng bạo lực. Nó không chấp nhận bất cứ một kháng cự nào. “Tôi có lý!” là châm ngôn của người tức giận.
Chữa trị: Từ độ cao lùi lại một bước. Học kiên nhẫn, từ bỏ khao khát cầu toàn và làm hòa với quá khứ của mình bằng cách tha thứ.
Tham ăn
Triệu chứng: Vấn đề ở đây là trong chừng mực, phải biết các rối loạn nào dẫn đến chứng cuồng ăn hoặc chán ăn. “Sống để ăn!” là châm ngôn của người tham ăn.
Chữa trị: Tự chủ, cố gắng ăn chay. Lắng nghe cơ thể của mình, để ý đến nhu cầu cần thiết để sống của mình.
Ghen ghét
Triệu chứng: Tật xấu có họ hàng với tham lam, ghen ghét là nói đến con người, tham lam là nói đến của cải. Cả hai đều đưa đến việc không có khả năng bằng lòng và vui hưởng. Người ghen tương không những chỉ muốn mình được yêu mà còn muốn mình là người được yêu nhất. Để được như vậy, đối với họ, mọi phương tiện đều tốt! “Không có ai ngoài tôi!” là châm ngôn của người ghen tương.
Chữa trị: Nhận thức giới hạn cũng như đức tính của mình. Không được so sánh. Học để cùng vui với điều tốt đẹp người khác làm, với của cải người khác có. 
Lười biếng
Triệu chứng: Lười biếng là hai thái quá của hành động. Trước hết là thiếu sáng kiến, từ chối trách nhiệm và phục vụ. Sau đó là nghịch lý, buông mình theo tất cả xung năng của mình, từ chối kiên trì. Tính hay thay đổi là anh em họ với tính lười biếng. Nó làm cho người lười biếng không “ở lâu” cầu nguyện, không dấn thân lâu dài, không có quan hệ với ai lâu dài. “Tôi không thích!” là châm ngôn của người lười biếng.
Chữa trị: Không làm những chuyện chỉ vì “thích”, giữ vững mục đích, bám trụ, đừng để sự việc quyết định giùm cho mình. Phải dấn thân!
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Kiêu ngạo    

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

“Tôi đã gặp người tôi yêu”.

BÀI ĐỌC I: Dc 3, 1-4a
“Tôi đã gặp người tôi yêu”.
Trích sách Diễm Ca.
Suốt đêm trên giường ngủ, tôi đã tìm kiếm người tôi yêu: Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng. Tôi chỗi dậy, và đi quanh thành phố, đi qua các phố xá và công trường, tôi tìm kiếm người tôi yêu. Tôi đã tìm kiếm chàng, nhưng tôi không gặp được chàng. Các người lính canh gác thành phố gặp tôi và tôi hỏi họ: “Các anh có thấy người tôi yêu không?” Tôi vừa đi qua khỏi họ, thì gặp ngay người tôi yêu...Đó là lời Chúa.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Lòng Chúa thương Xót.


Thứ Tư tuần 15 Thường niên

Tại sao phải theo đạo

Khi chính thức trở nên Kitô hữu, chắc chắn sẽ có người thắc mắc (cô dâu): Ủa Bạn theo Đạo Công giáo à, chẳng nhé Đạo Phật mình không tốt sao?

Không phải chúng ta chọn cái Đạo này tốt hay Đạo kia xấu để theo. Vì theo bản chất không có Tôn giáo nào xấu hết, các tôn giáo đều tốt, ngay cả Đạo Hồi cũng không xấu mặc dù hay bị những tín đồ quá khích lợi dụng khủng bố, giết bao nhiều người vô tội. (Những ai nhân danh Thượng Đế- tôn giáo để giết người, làm hại đồng loại cho thấy họ có nhận thức và lương tâm sai lầm).

Các Tôn giáo phần nào đều phản ảnh Dung Mạo của Thiên Chúa, thể hiện khát khao vươn lên Chân - Thiện - Mỹ mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong Tạo vật con người có Linh hồn bất tử.

Theo Đức Benedicto XVI ơn gọi tự nhiên của tôn giáo là Công chính và Hòa bình. [1]

Quả thế, tất cả mọi người đều được dựng nên Giống hình ảnh Thiên Chúa, đều là con cái của Chúa, Thiên Chúa đều ghi khắc các lề luật phổ quát trong Lương tâm mỗi người để  giúp thăng tiến phẩm giá, làm những điều tốt đẹp cho nhau. Ai sống theo Lương tâm ngay lành, và vì lý do khách quan nào đó chưa nhận ra Tin Mừng Cứu độ là Chúa Giêsu đều có hy vọng phần thưởng Nước Trời.

Người Công giáo gọi những người theo tôn giáo khác, có niềm tin khác với mình bằng danh xưng đầy trân trọng: Lương dân- những người dân lương thiện; hay Lương giáo- tôn giáo giúp người ta sống theo lẽ thiện.

Hơn nữa, là Công giáo và là môn đệ chính hiệu của Chúa Giêsu càng phải thương yêu tôn trọng những người khác chính kiến, khác niềm tin, thậm chí yêu thương ngay cả kẻ thù mình, kẻ gây cho mình những phiền toán, thiệt hại. Người Công giáo đích thực không có kẻ thù, không được coi ai là kẻ thù. [2]

Lương tri hay Lương tâm mà cụ thể hóa nơi Lương giáo cũng là con đường phần nào giúp ta nhận ra Thiên Chúa. Song mạc khải Kinh Thánh cho biết Nguyên Tổ đã phạm tội, khiến nhân sinh trở nên yếu đuối, tạo vết thương tâm hồn nên có thể làm Lương tri dễ lệch lạc, sai lầm.

Điều đó lý giải, cũng một vấn đề tại sao người này, dân tộc này làm cho là tốt, bình an song ta lại thấy tội lỗi, bất an, cho việc làm đó là ác nhân thất đức (vd: 1 số thổ dân thể hiện hiếu thảo với cha mẹ gài bằng cách đưa các cụ lên cây rung, không té mang xuống nuôi tiếp, té thì để cụ chết; hay ăn thịt cha mẹ khi chết…).

Thiên Chúa nhắc nhớ ta qua tiếng Lương tâm, song lương tâm - lương tri giờ đây dễ bị lệch lạc, ngộ nhận do tội Tổ tông,  để chấn chỉnh Lương tâm- Lương tri khỏi sai lạc, giúp đi về nẻo chính đường ngay, Thiên Chúa đã Mạc khải qua Kinh Thánh.

Mạc khải Kinh Thánh qua hai cấp hay hai giai đoạn- 2 giao ước:

1. Giao ước cũ Chúa Mạc khải gián tiếp qua các ngôn sứ cho Dân riêng Do Thái đại diện cho cả nhân loại. Trong Giao ước cũ này, ta thấy nổi bật và chính yếu là Thập Giới- 10 điều răn, tức những lề luật mang tính phổ quát Thiên Chúa khắc nghi nơi Lương tâm con người được cụ thể hóa thành 10 điều luật.

2. Thời Tân ước - qua việc Ngôi Hai nhập thể làm người, Lời Chúa bây giờ nói trực tiếp với nhân loại. Chúa Giêsu  đến để kiện toàn Giao ước cũ chứ không phải để phá hủy. Quả thực trong dòng lịch sử thánh của mình, các lãnh đạo Do Thái giáo thêm thắt, giải thích có khi xa lạc Luật Chúa, bỏ luật Chúa để tuân giữa luật con người, vụ luật… điều mà Chúa Giêsu từng nên án các lãnh đạo Do Thái giáo.


Nơi Chúa Giêsu, mạc khải Thiên Chúa đã viên mãn, những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại ngài đã tỏ lộ hết. 

Thánh Phaolo diễn tả hai giai đoan này trong thư gởi tín hữu Do Thái: “Thủa xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử là Chúa Giêsu” (Dt 1,1) 

Thiên Chúa kiện toàn lệ luật bằng cách thổi vào trong đó tinh thần và mục đích của việc giữ luật: Tình yêu. Trên nền tảng Tình yêu ấy việc giữ luật trở nên nhẹ nhàng và có ý nghĩa (nói như Chúa Giêsu: ách ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng)

Như thế, theo Công giáo- tin nhận Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa Nhập Thể làm người, Ngài chính là Tin Mừng Cứu độ- là Dung mạo Lòng thương xót của Chúa, vấn đề ở đây ta khám phá Tiếng gọi Tình yêu của Đấng đã Yêu thương từ muôn thủa và luôn trung tín, dẫu ta nhiều lần phản bội khi phạm tội. Nhờ đáp trả Tình yêu ta thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa, thấy cuộc sống trần thế tươi đẹp hơn, đầy hy vọng.

Nói cách khác, Ông Trời tạo dựng trời đất mà cha ông ta vẫn quan niệm ấy, giờ nhờ tin theo Chúa Giêsu ta khám phá chính là Cha đầy yêu thương và đầy quyên năng. Sống trong Tình yêu của Cha Trời, trong sự tín thác vào sự quan phòng của Cha Trời, chính trong điểm tựa này ta tìm được Bình an, tránh được những hoang mang- mê tín dị đoan. 

Khi Rửa Tội ta được gọi là Kitô hữu, người có Chúa Giêsu  hiện diện, đã được hạt giống Tin Mừng Cứu độ.

Nhờ Chúa Giêsu  và trong Chúa Giêsu  ấy, ta thấy có thêm ý nghĩa sâu sắc:

1. Việc sống tốt của ta không đơn thuần là việc làm nhân bản mà con mang ý nghĩa Tôn giáo, đang thức thi Lời Chúa (vd hiếu thảo…là luật Chúa); cho người khác bát nước lã vì Danh môn đệ Chúa Giêsu cũng được Ngài trân trọng, ghi ơn…

2. Đặc biệt ta khám phá trong gian khổ, thử thách điều mà con mắt trần thế cho là bất hạnh, giờ có giá trị Tin Mừng cứu độ, đang giúp nên giống Chúa, cộng tác vào Công trình Cứu độ của Chúa. Mình chỉ là thụ tạo hèn mọn, tội lỗi… ấy mà được chính Thiên Chúa mời gọi công tác vào Công trình Cứu độ của Ngài. Chỉ nghĩ thế, ta đã dạt dào tạ ơn Chúa, và cả cuộc đời mình sống thánh thiện cũng chỉ phần nào đáp trả ơn biển cả của Cha Trời. 

Giờ đây, nhờ tin theo Chúa Giêsu, khổ đau, thử thách, thiệt hại do sống theo lương tâm ngay thẳng, theo chính Đạo… là ta đang hưởng ‘phúc thật’- ‘phúc ai bị bắt hại vì chính Đạo’. Sau bài giảng Tám mối Phúc thật, Chúa Giêsu nói rõ hơn: Phúc cho anh em vì Thầy mà bị người đời vu gian chuốc họa, bị sỉ nhục… Anh em hãy vui mừng vì phần thưởng rất lớn ở trên thiên quốc.

3. Theo Công giáo ta có thêm đôi mắt Đức tin, chính trong đôi mắt Đức tin này ta khám phá tất cả là hồng ân. Cuộc đời không phải là bể thảm, mà là biển Hồng ân.

Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, nhiều nằm bệnh tật hành khổ và chết rất trẻ cũng do bệnh tật… Nếu trong con mắt trần gian đấy là đại họa, là xui là bất hạnh, song Chị Thánh nhờ đôi mắt Đức tin, luôn sống trong tương quan với Chúa Giêsu, chị khám phá: ‘Tất cả là Hồng ân”.

Đôi vợ chồng- cha mẹ chị Thánh mới được phong hiển thánh đã khám phá rất rõ giá trị Tin Mừng cứu độ trong đau khổ, nhờ vậy gia đình hạnh phúc, bình an dẫu cuộc sống sinh nhai nhiều gian nan, vất vả; Cha Mẹ đã giáo dục con cái, nhất là cô út Têrêxa  biết được ý nghĩa cuộc sống nhờ sống theo gương Chúa Giêsu.

Cái đáng sợ nhất của cuộc sống là cái chết, ấy thế mà trong đôi mắt Đức tin, ngay cả sự chết ấy lại trở thành hồng ân. Thánh Phaolo  nói rõ: ‘Sống là Chúa Giêsu  thì chết là mối phúc’. (Cái chết đáng sợ, gieo tang tóc do ta sống không là Chúa Giêsu, tức không sống theo Lời Chúa, không sống theo lương tâm, tức ta sống trái ý Chúa, gian tham, thù hận, không rợn tay khi phạm những tội ác).

Người môn đệ theo Chúa Giêsu  hay người Kitô hữu độc đáo ở chỗ có đôi mắt Đức tin, luôn biết tín thác nơi Chúa là Cha rất nhân từ. Theo Chúa Giêsu – Đấng Cứu thế, không phải đời sau mà ngay đời này ta đã nếm trải phúc thật thiên đàng.

Theo Đấng là Tin Mừng, Kitô hữu  là người có Tin Mừng mà mang khuôn mặt đưa đám, chán nản, tuyệt vọng thì… không thể hiểu nổi! Ta cần phải xem lại đời sống Đạo của mình, xét lại mối tương quan với Chúa có trục trặc gì không, có còn không. Tội lỗi, đặc biệt tội trọng làm phá hủy tương quan ta với Chúa, làm ta xa Chúa, mất Chúa…

Một gia đình có Chúa hiện diện, cũng như một Kitô hữu  để Chúa hiện diện thì luôn có Tin Mừng bình an, thứ Bình an theo Đấng Phục Sinh không phai thứ bình an theo kiểu thế gian.     

Đôi mắt Đức tin ấy ta có được, và không ngừng lớn nên là nhờ Đặt trên nền tảng sống Lời Chúa.

Bài Tin Mừng (Mt 7,21.24-29) giúp ta kiểm định mình đang sống, đang xây dựng gia đình mình ở dạng người nào, người khôn ngoan hay người ngu dại !?

Xây dựng gia đình trên nền tảng Lời Chúa là xây dựng trên Tình yêu, sống yêu thương. Hẳn nhiên, sống Lời Chúa, sống giới luật Yêu thương- khởi đi từ gia đình, không phải thứ tình cảm mau qua, thích thì làm không thích thì… ‘makeno”. Trái lại, đấy là một Tình yêu Trưởng thành, cần có lý trí và ý chí. Chúa Giêsu quả quyết: không phải ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa mà vào được Nước trời, song Nước trời chỉ dành cho những ai thi hành ý Chúa. Chỉ những ai thực thi Lời Chúa mới vào được Nước trời. Thánh Giacôbê khai triển rõ thêm: Đức tin không có việc làm là Đức tin chết.

Lm. Đaminh Hương Quất