Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9
"Chúng ta mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu Kitô.
Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta...Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm: Mc 13, 33-37
"Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: 1
Tỉnh thức đề phóng là hành động của con người khôn ngoan. Biết tỉnh thức đề phong mới tránh được những bất trắc có thể xảy tới. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dặn các môn đệ hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Nhưng tỉnh thức là thế nào?
Tỉnh thức là biết chuẩn bị những gì cần cho tương lai. Tỉnh thức là biết sắp xếp, biết lo liệu, biết nhận định đúng lúc, đúng sự việc và xử sự cho thích ứng.
Như chủ nhà trở về bất thình lình. Thiên Chúa cũng gọi chúng ta vào lúc chúng ta không ngờ. Chúng ta hãy chuẩn bị cho cuộc ra đi ngay từ bây giờ, đừng chậm trễ, chần chờ.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường hành xử khờ khạo. Chúng con rất sợ chết và thường trốn tránh cái chết bằng nhiều cách: chúng con có thể vui chơi quá độ để quên đi cái chết; chúng con thường đánh lừa mình bằng những ý nghĩ ấu trĩ. Chúng con tưởng chúng con chưa có thể chết khi chúng con còn đầy sức mạnh. Chúng con tưởng chúng con còn lâu mới chết khi chúng con vẫn còn tươi trẻ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết thức tỉnh luôn. Xin cho chúng con biết khôn ngoan để chuẩn bị cho một cuộc ra đi vĩnh viễn trong bình an hạnh phúc, bằng chính những giây phút hiện tại. Từng giây phút sống theo sự thiện hảo, sống trong tình yêu chân thành với Thiên Chúa với anh chị em chúng con. Amen.
Suy Niệm: 2
Mc 13, 33-37
"Vậy anh em phải canh thức,
vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến" (Mc 13,35)
Cuộc sống của mỗi người đều có một sứ mệnh do Chúa trao ban. Có thể đó là một nguồn vốn, một tài năng, một nhiệm vụ. Và sẽ có lúc Chúa đòi ta tính sổ lại với Người. Điều chắc chắn là ta không biết thời gian phải tính sổ đó là lúc nào.
Để ứng phó với vấn đề này, Chúa dạy ra luôn tỉnh thức. Chúa nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Hãy luôn tỉnh thức. Chính vì thế mà ai cũng phải sẵn sàng, vì không ai biết lúc nào Chúa tới. Chúng ta cứ ước mơ, cứ xây dựng và dự tính, nhưng đừng khi nào quên mục đích cuối cùng của cuộc đời và phải luôn nhớ: tất cả đều do Chúa ban và sẽ có ngày Chúa đòi ta tính sổ. Chúa như một ông chủ đi xa, Ngài trao cho các tôi tớ Ngài mỗi người một phần vốn, và một nhiệm vụ cụ thể. Mỗi người phải tự mình xoay xở làm thế nào cho vốn Chúa ký thác được sinh lời.
Cha Charles de Foucault nói: “Bạn hãy sống như bạn sẽ chết vào tối nay”.
Ngày kia có một khách du lịch dừng chân trước một biệt thự rất sang ở Thụy Sỹ. Ông lịch sự bấm chuông. Cụ già coi vườn ra mở cổng. Sung sướng vì được thấy một người khách lạ, cụ dẫn ông tham quan cả một khu vườn rộng lớn. Người khách hỏi:
- Cụ ở đây bao lâu rồi ?
- Thưa ông, tôi ở đây đã được hai mươi bốn năm.
- Chủ của cụ ít khi ngủ lại biệt thự này, có phải không? Cụ đã trông thấy ông ta mấy lần rồi ?
- Tôi đã trông thấy ông ấy bốn lần. Lần cuối cùng cách đây đã mười hai năm.
- Ông có viết thư cho cụ chăng?
- Chẳng bao giờ.
- Thế ai trả công cho cụ?
- Người quản gia của ông.
- Thế người quản gia này có năng đến đây không?
- Tôi chưa hề thấy mặt ông. Ông ấy luôn liên lạc với tôi qua thư từ.
- Thế thì ai hưởng sự đẹp đẽ này?
- Trừ vợ tôi và tôi thì không ai hưởng hết.
- Cụ à tôi có cảm giác như là cụ coi sóc vườn này, sân hoa này, bãi cỏ này cách chu đáo, như là ngày mai ông chủ cụ sẽ đến vậy!
- Ồ! Thưa ông, tôi phải làm như chủ tôi phải đến ngày hôm nay, vâng thưa ông, ngày hôm nay.
Vâng! Hãy biết sống như Chúa đến ngay hôm nay.
Lạy Chúa, xin dạy con biết luôn tỉnh thức để không bao giờ phải bất ngờ trong ngày Chúa đến. Amen.
Lm.Giuse Đinh Tất Quý.
|
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Cho tới khi Chúa đến!
Mùa Vọng là mùa đợi chờ, mùa chuẩn bị Đức Giêsu đến. Hẳn là Người đã đến và sẽ lại đến. Nhưng Người cũng đang có đây, mỗi ngày, đang gõ cửa lòng chúng ta và xin chúng ta dành chỗ cho Người trong đời sống chúng ta. Chúng ta sẽ nhận ra Người không, hay để mình phải bất ngờ thấy Người đến ?
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn còn muốn sinh ra giữa loài người chúng ta. Chúng ta phải dọn đường cho Người, đồng thời mở to đôi mắt, mở rộng tấm lòng để nhận ra Người nơi cửa nhà mình.
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đặc biệt ngắn. Bốn lần trong vài câu ngắn ngủi của tác giả Máccô, Đức Giêsu dùng từ «canh thức». Lời mời gọi khẩn trương. Mùa Vọng là thời gian trông chờ. Là thời gian nghiêm trọng cho các lính canh, cho những ai sống trong đó như một cơ hội để lòng mong ước phát sinh và khởi sắc.
Canh thức và chờ mong là vạch một lối đi nơi lòng mong ước của tôi gặp được lời kêu gọi của Thiên Chúa. Chúng ta hãy sống thời gian Mùa Vọng này như một thời gian để canh thức và cầu nguyện, một thời gian để loan báo, hợp thời hay không hợp thời, Đấng đang đến và cũng là Đấng chúng ta mong chờ. Cho tới khi Người đến!
|
Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017
CHÚA NHẬT THỨ I MÙA VỌNG (03.12.2017)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét